Việt Nam và Đức giúp Lào xây dựng hồ sơ di sản thế giới Vườn quốc gia Hin Nam No

Ngày 4-7, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) cho biết, các chuyên gia Việt Nam đang giúp Khăm Muộn (Lào) xây dựng hồ sơ Vườn quốc gia Hin Nam No trình UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới.
Di sản xuyên biên giới sẽ đem lại lợi thế lớn cho cả Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam No
Di sản xuyên biên giới sẽ đem lại lợi thế lớn cho cả Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam No

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã thống nhất chủ trương để các cấp bộ, ngành, địa phương 2 nước Việt - Lào cùng hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ lẫn nhau trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No, xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên của hai nước và được hai bên nhất trí theo Hiệp định hợp tác song phương Việt - Lào giai đoạn 2021-2025.

Di sản xuyên biên giới là cơ hội cho đa dạng loài và du lịch phát triển, nâng cao sinh kế người dân

Di sản xuyên biên giới là cơ hội cho đa dạng loài và du lịch phát triển, nâng cao sinh kế người dân

Những năm qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã phối hợp với Văn phòng IUCN tại Việt Nam tổ chức tham vấn ý kiến các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình hoàn thành khung quản lý liên biên giới Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam No nhằm bảo đảm các yêu cầu bắt buộc trong tiến trình xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới đối với Vườn quốc gia Hin Nam No. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn đối với mô hình hợp tác liên biên giới mà hai Vườn quốc gia mong muốn đạt được.

Theo ông Phạm Hồng Thái, phía Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã hỗ trợ tốt nhất nghiên cứu địa chất địa mạo đối với Vườn quốc gia Hin Nam No khi cử các đoàn thám hiểm hang động Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh sang nghiên cứu.

Về đa dạng sinh học, ông Nguyễn Duy Lương, chuyên gia bảo tồn tự nhiên quốc tế cho biết, GIZ (Tổ chức hợp tác quốc tế Đức) đã điều tra và khẳng định về độ phong phú của loài trong khu phức hợp xuyên biên giới lớn hơn nhiều so với mức độ phong phú riêng lẻ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No. Gần 2.700 loài thực vật có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống là minh chứng cho sự nổi bật về sinh học trên toàn khu xuyên biên giới. Động vật có xương sống được ghi nhận bao gồm 154 loài động vật có vú, 117 loài bò sát, 58 loài lưỡng cư, 314 loài chim và 170 loài cá nước ngọt. Gần 133 loài thực vật bị đe dọa trên toàn cầu và 104 loài động vật có xương sống đã được báo cáo. Trên 400 loài thực vật trong quần thể di sản xuyên biên giới được cho là loài đặc hữu của Trung Lào và Việt Nam, 38 loài động vật thậm chí còn là loài đặc hữu của dãy núi Trường Sơn.

Theo ông Phạm Hồng Thái, nếu Vườn quốc gia Hin Nam No được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới trong tương lai gần, sẽ giúp không gian bảo vệ liên biên giới thêm 94.000ha, nâng tổng diện tích rừng lên hơn 220.000ha tính cả Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tin cùng chuyên mục