Hội thảo tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm cung cấp những kiến thức liên quan đến sức khỏe và quản lý bệnh trong tình hình mới, sau đại dịch Covid-19.
Tham dự Hội thảo có ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; Bác sĩ CK2 Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM; lãnh đạo bệnh viện một số tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng y dược tại ĐBSCL. Đặc biệt có sự góp mặt của gần 180 đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: Từ ngày 10 đến 19-11, đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đoàn đại biểu xúc tiến đầu tư và Thương mại của tỉnh Vĩnh Long do ông Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long dẫn đầu đã làm việc tại Ấn Độ. Trường Đại học Cửu Long được UBND tỉnh mời tham gia chuyến công tác này tại Ấn Độ và Sri Lanka.
Trong 10 ngày làm việc liên tục và trách nhiệm, Đoàn đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia và tỉnh Vĩnh Long với các cơ quan, doanh nghiệp của Ấn Độ.
Riêng Trường ĐH Cửu Long đã ký kết hợp tác toàn diện với Trường ĐH Siksha “O” Anusaandhan University, Trường DY Patil Deemed to be University, với Viện nghiên cứu Y học - Ấn Độ và một số trường đại học, doanh nghiệp khác của Ấn Độ tại Thủ đô New Delhi, Mumbai…
Theo PGS.TS Lương Minh Cừ, thông qua hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích một số vấn đề về đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Quản lý bệnh viện và nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ thị trường quốc tế. Đặc biệt là việc liên kết đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao khoa học công nghệ dược phẩm giữa Việt Nam và Ấn Độ sau đại dịch Covid-19.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM khẳng định, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đòi hỏi nhiều kiến thức và thực hành hàn lâm. Hội thảo là cơ hội để tiếp thu không chỉ kiến thức học thuật mà còn để phát triển các kỹ năng mềm cần thiết để tự tin và giao tiếp hiệu quả. Hy vọng các nhà khoa học tham gia thảo luận, chia sẻ hiểu biết sâu sắc và thực hành các kỹ năng mềm thúc đẩy sự phát triển y học của hai đất nước.
Thông qua hội thảo nhằm kết nối quan hệ hợp tác, trao đổi tri thức giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức liên quan, gợi mở kiến thức liên quan đến khoa học sức khỏe. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Hội thảo đã nhận được 42 bài viết tham luận từ các giảng viên và nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe xoay quanh nội dung: Hợp tác giữa các trường đại học Ấn Độ và Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực y tế thời kỳ hậu Covid-19 - Thực trạng và giải pháp. Tại hội thảo có 15 bài tham luận trực tiếp và trực tuyến. Trong đó có 6 bài của các chuyên gia Ấn Độ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan; 9 bài trong nước của các chuyên gia đến từ một số trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe, sở y tế một số tỉnh trong khu vực…