Việt Nam trước cơ hội lớn trở thành Trung tâm tài chính toàn cầu

Chiều 28-3 tại TPHCM, Bộ Tài chính phối hợp với UBND TPHCM tổ chức hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam. 

Đông đảo khách mời quốc tế tham gia Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đông đảo khách mời quốc tế tham gia Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Iain Frew; Lãnh đạo các bộ ngành trung ương và địa phương cùng đại diện các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước.

TPHCM sẽ nỗ lực hết mình

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được khẳng định, việc Trung ương lựa chọn TPHCM để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là niềm vinh dự lớn, đồng thời là trọng trách nặng nề mà TPHCM sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Được, Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn, mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia. Đây cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính - thương mại toàn cầu.

1b5db43572f4c2aa9be5.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, TPHCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này, bởi TP là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại của TPHCM (bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ) đã được vận hành một cách bài bản. TPHCM cũng có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng, đồng thời thị trường tài chính của Thành phố đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (trong tương lai), cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu. Cùng với đó là quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, xác định phát triển TPHCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế là nhiệm vụ chiến lược.

Không nóng vội nhưng cũng không để lỡ thời cơ

fc5dab906851d80f8140.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

Phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" để tham gia và định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu. Việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam thì chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.

0b4869d82415944bcd04.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

Bộ trưởng nhấn mạnh, định hướng xuyên suốt trong xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam, đó là tiếp tục mở cửa mạnh mẽ lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các định chế tài chính quốc tế hoạt động hiệu quả, minh bạch, công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế.

Đồng thời triển khai rõ ràng lộ trình hình thành Trung tâm tài chính tại Việt Nam vào năm 2035, kết nối tương hỗ chặt chẽ với các trung tâm tài chính quốc tế lớn trong khu vực và trên thế giới, hướng đến hình thành mạng lưới tài chính liên kết, không cạnh tranh trực tiếp.

5ffe786e35a385fddcb2.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

Cùng với đó là đảm bảo ổn định thị trường tài chính, quản lý rủi ro và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đây là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm xây dựng môi trường đầu tư an toàn và bền vững tại các trung tâm tài chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng nêu một số lợi thế đặc thù của Việt Nam để hình thành Trung tâm tài chính. Trong đó, Trung tâm tài chính tại Việt Nam có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch.

“Thành công trong việc phát triển trung tâm tài chính sẽ mang lại những lợi ích quan trọng cho đất nước, đó là gia tăng kết nối giữa Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các định chế tài chính nước ngoài khơi thông mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư, tạo ra các công ăn việc làm và nâng cao chất lượng lao động”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Lựa chọn mô hình phù hợp cho Việt Nam

Lắng nghe kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính ở Dubai, Hong Kong, Thượng Hải, London, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng nói, Việt Nam có sự khác biệt, nếu học mô hình nào đó thành công từ 10 năm trước, hay công nghệ thành công 5 năm trước, thì sẽ không thành công nữa. Trong khi đó, ông Philipp Rösler, Nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Zurich và Zug cũng cho rằng Việt Nam nên nghiên cứu và thực hiện những điều phù hợp. Đặc biệt là khi thế giới đang rất chú ý đến Việt Nam, đánh giá cao sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế trong nước.

c613ead02911994fc000.jpg
Các khách mời quốc tế tham gia Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

Trước câu hỏi, trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ khác biệt gì so với các trung tâm khác? Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Trung tâm tài chính của Việt Nam phải có bản sắc riêng, tận dụng lợi thế về kinh tế, xã hội, đặc biệt là vị trí địa lý địa chính trị.

Khác với mô hình truyền thống, Việt Nam ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay từ ban đầu, như blockchain, fintech, tài chính xanh... Ngoài ra, với thế mạnh xuất khẩu hàng nông sản, có thể tính đến xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa ứng dụng blockchain, tối ưu hóa các chuỗi giá trị, giảm chi phí giao dịch. “Chúng tôi buộc phải nghiên cứu các bản sắc riêng. Quan điểm là chúng tôi là TTTC tại TPHCM sẽ bổ trợ cho các trung tâm tài chính ở trong khu vực”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

00e29a79dabb6ae533aa.jpg
Các đại biểu thảo luận bên lề Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết dựa trên những lợi thế vốn có, Đà Nẵng đang tập trung vào hai nhóm chính. Đầu tiên là liên quan đến dịch vụ tài chính quốc tế, thanh toán xuất nhập khẩu trực tiếp phục vụ cho các khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, ở các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp. Thứ hai là những nhóm dịch vụ liên quan đến tài chính xanh, liên quan đến fintech, liên quan đến đổi mới sáng tạo trong tài chính ngân hàng và nhất là những cái thử nghiệm set up cho một số mô hình mới như là tài sản số, tài sản ảo.

Tin cùng chuyên mục