Theo đó, trước những yêu cầu cấp bách về chống biến đổi khí hậu và các cam kết đạt Net-zero của các quốc gia, điện gió ngoài khơi (ĐGNK) nổi lên như một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn nhất. Nắm bắt xu hướng này, với sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực năng lượng, ngay từ năm 2019, Petrovietnam và một số đơn vị thành viên, nổi bật là PTSC, đã tập trung đánh giá, nghiên cứu vấn đề dịch chuyển năng lượng để điều chỉnh, bắt kịp các xu hướng, tận dụng tối đa thế mạnh. Trong đó, định hướng xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh, sạch thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất H2 và đặc biệt là phát triển ĐGNK.
Petrovietnam với vai trò là Công ty Dầu khí quốc gia luôn đặt mục tiêu phát triển gắn liền với mục tiêu chung của đất nước - đã điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000-14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5%-10% tổng công suất đặt của Petrovietnam. Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm 8%-10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10%-20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.
Để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho cuộc đua năng lượng tái tạo ngoài khơi, Petrovietnam đã và đang chủ động xây dựng chuỗi cung ứng nội địa bao gồm các đơn vị thành viên có nhiều tiềm năng, như PTSC, Vietsovpetro, VPI, PVE, PETROSETCO, PV Drilling, PVC-MS, PV Shipyard… Bên cạnh đó, các đơn vị chủ lực của Petrovietnam về thiết kế, chế tạo, xây lắp và vận hành các công trình dầu khí biển như PTSC, Vietsovpetro, PETROCONs… với năng lực, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng sẵn có, đã được Tập đoàn giao nhiệm vụ nghiên cứu, thành lập tổ hợp phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng hợp tác, phát huy năng lực của nhau, phối hợp tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) trong và ngoài nước.
Đặc biệt, những nỗ lực của Petrovietnam trong việc phát triển lĩnh vực ĐGNK đã được minh chứng trong những năm gần đây, khi PTSC- đơn vị thành viên của Tập đoàn, đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ điện gió, ĐGNK cho nhiều nhà thầu trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công hiện hữu.
Để chạy đà cho các dự án phát triển ĐGNK, trước đó PTSC đã bổ sung lĩnh vực điện gió vào ngành nghề kinh doanh, công tác marketing, tìm kiếm đối tác thông qua các hội thảo chuyên ngành về lĩnh vực điện gió của các đại sứ quán của các nước có năng lực về ĐGNK như Đan Mạch, Hà Lan, Đức… đến cập nhật thông tin cũng như các xu hướng chiến lược phát triển ĐGNK của Việt Nam và các quốc gia lớn trên thế giới.
PTSC đã có những bước chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, điển hình là việc đấu thầu quốc tế, trúng thầu hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió ngoài khơi, dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi. Việc trúng thầu và thực hiện hợp đồng này, không những tạo ra bước ngoặt lịch sử cho PTSC trong việc phát triển dịch vụ mới, nâng tầm thương hiệu dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, mà còn lần đầu tiên ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới.
Tiếp theo thành công tại dự án điện gió ngoài khơi CHW2204, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án điện gió ngoài khơi (quy mô lớn hơn dự án CHW2204) của khách hàng quốc tế tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, PTSC cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp ĐGNK sang châu Âu, thị trường hàng đầu thế giới về ĐGNK, bên cạnh 5 trạm biến áp khác đã và đang xuất khẩu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Để đánh dấu các thành tựu đặc biệt ý nghĩa đã đạt được thời gian qua, hướng tới các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới, Petrovietnam phối hợp với PTSC và các đối tác quốc tế tổ chức chuỗi sự kiện bao gồm: lễ hạ thủy và bàn giao chân đế ĐGNK dự án CHW2204; lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế ĐGNK; lễ khởi công các trạm biến áp - dự án Baltica 02; lễ khởi công giàn CPP - dự án lô B; lễ ký hợp đồng FSO Lạc Đà Vàng.
Việc trúng thầu và thực hiện hàng loạt các hợp đồng lớn trong lĩnh vực NLTTNK trong thời gian vừa qua đã trở thành những bước khởi đầu vững chắc, giúp Petrovietnam - PTSC góp phần hiện thực hóa Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện 8); từng bước hình thành nên Trung tâm công nghiệp NLTTNK tại Bà Rịa Vũng Tàu và khu vực Đông Nam bộ, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp NLTTNK hoàn chỉnh với nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động trong việc thực hiện các dự NLTTNK tại Việt Nam trong tương lai.