Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ở vùng ĐBSCL hiện có xấp xỉ 100 giống lúa khác nhau, với khoảng 10 giống chủ lực chiếm diện tích lớn. “Nhờ có nhiều giống lúa khác nhau, Việt Nam có ít rủi ro trong sản xuất lúa, thích ứng được nhiều vùng sinh thái”, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng đánh giá.
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, bộ giống lúa mà Việt Nam vừa trình ra Đại hội Lúa gạo thế giới là niềm "mơ ước" của nhiều quốc gia |
Nghiên cứu giống lúa cải tiến là một trong nhiệm vụ hàng đầu của các nhà khoa học Việt Nam. Không chỉ đảm bảo an ninh thực phẩm, dinh dưỡng, các nghiên cứu còn phát triển hệ thống dự đoán rủi ro, tư vấn chính sách, tạo cơ hội cho ngành lúa gạo thích ứng thiên tai, lũ lụt, xâm mặn.
Trong hơn 7 triệu ha gieo trồng ở Việt Nam mỗi năm, vùng ĐBSCL chiếm hơn 3,8 triệu ha, tương đương 53,5% tổng diện tích. Nhưng đây cũng là khu vực đối diện tình trạng xâm nhập mặn và khan hiếm nước tưới, với nhiều đợt hạn hán kỷ lục liên tiếp trong thập niên qua. Hậu quả là 70% diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng mặn và sản lượng lúa giảm tới 30%, khiến hàng ngàn nông dân mất thu nhập.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học lúa gạo vùng ĐBSCL đang hợp tác với CGIAR (Nhóm tư vấn về Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) trong khuôn khổ dự án “Phục hồi các vùng châu thổ lớn của châu Á” (Asian Mega-Delta - Sáng kiến AMD). Dự án nhằm tìm kiếm giải pháp tại các vùng có nguy cơ suy thoái thổ nhưỡng, chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam.
TS Trần Ngọc Thạch giới thiệu bộ giống lúa của Việt Nam. Ảnh: QUỲNH CHI |
Tại Đại hội Lúa gạo quốc tế - IRC 2023 (đang bước vào ngày làm việc thứ 2 và kéo dài đến 19-10), TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đã trình bày dự án tuyển chọn và phổ biến các giống lúa chịu mặn cải tiến.
Viện Lúa ĐBSCL đã tiếp nhận khoảng 40 dòng lúa chống chịu mặn từ các trung tâm nghiên cứu lúa gạo quốc tế. Qua thử nghiệm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, cho thấy 2 giống lúa tốt nhất là IRRI147 và IRR117839-22-15-B-CMU10-1-B, sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên diện rộng trước khi đưa vào sản xuất tại Sóc Trăng - địa phương chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nhiều nhất của Việt Nam.
Giống lúa IRRI147. Ảnh minh họa |
Trong khuôn khổ Sáng kiến AMD, tháng 10 này, Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) triển khai đề tài “Đảm bảo hệ thống thực phẩm của các châu thổ châu Á thông qua xác định các giống lúa chịu mặn ở Việt Nam”.
Theo đó, sẽ xuống giống tại các “điểm nóng” về độ mặn ở 3 tỉnh vùng ĐBSCL, áp dụng mô hình lúa - tôm ở Sóc Trăng, lúa - cây trồng cạn ở Tiền Giang, lúa - lúa ở Kiên Giang.