Tự do bày tỏ đức tin
Trò chuyện với chúng tôi, ông Mai Viết Điềm, Chánh chương Giáo xứ Kiên Lao, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Kiên Lao tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cho biết, đời sống giáo dân nơi đây được đủ đầy; các hoạt động xã hội của chính quyền địa phương luôn được các giáo dân tham gia hưởng ứng vì một cộng đồng xã hội phát triển. Giáo xứ Kiên Lao là một trong những giáo xứ có dân số đông nhất trong các giáo phận, với hơn 11.000 người. Tại đây có 13 giáo họ, dưới sự điều hành của cha xứ. Khi chính quyền xã phát động các phong trào, giáo dân đều tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội, như: vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn…
“Chúng tôi được sự động viên, quan tâm của chính quyền địa phương trong các hoạt động tôn giáo, hành lễ; được tạo mọi điều kiện để bày tỏ đức tin. Chúng tôi thường xuyên có các văn bản với người đứng đầu 13 giáo họ đề nghị thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, các quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo; và thực tế, các hoạt động của giáo dân ở đây về tôn giáo đều diễn ra tự do”, ông Điềm khẳng định. Đồng thời, ông bày tỏ quan điểm, ở Giáo xứ Kiên Lao, các giáo dân luôn có cha xứ và các linh mục quan tâm nên không bao giờ nghe theo các thế lực hay quan điểm trái với pháp luật.
Cũng tại huyện Xuân Trường, xã Xuân Phương có 72% đồng bào theo đạo Công giáo với hơn 7.300 nhân khẩu; số người dân còn lại theo Phật giáo. Trong những năm qua, việc xây dựng, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới luôn được sự đồng hành của đồng bào theo đạo, các chức sắc, chức việc. Đang kiểm tra các hạng mục quanh khuôn viên Nhà thờ Phú Nhai (còn gọi là Vương cung Thánh đường Phú Nhai) để đón năm mới, ông Phan Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, chia sẻ niềm vui về việc vào tháng 4-2022, toàn xã được công nhận là “xã nông thôn mới nâng cao”; và sau đó 1 tháng, 4 xóm trong xã tiếp tục được công nhận là “xóm kiểu mẫu”. Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Phương quyết tâm năm 2023 sẽ trở thành “xã kiểu mẫu”. Những thành tựu của địa phương đều có sự đóng góp của đồng bào Công giáo và nhân dân nơi đây.
Ở xã Xuân Phương có 3 giáo họ, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề truyền thống thêu ren và điêu khắc gỗ, tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện phải bảo trợ xã hội chỉ 1,34%. Tuy nhiên, ông Phan Văn Bảy cho biết, hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử chống phá tuyên truyền xuyên tạc rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo. “Bản thân tôi vừa làm công tác chính quyền vừa là giáo dân gốc ở đây thấy rằng, những quan điểm xuyên tạc đó là hoàn toàn không đúng. Chúng tôi thực hiện tín ngưỡng, bày tỏ đức tin tự do. Đảng, Nhà nước tạo điều kiện tối đa và chúng tôi không cảm thấy có khó khăn gì trong sinh hoạt. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là hướng dẫn giáo dân, nhân dân, các chức sắc, chức việc thực hiện đúng theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo”, ông Bảy nói.
Chia sẻ với phóng viên, giáo dân Bùi Ngọc Hùng (xã Xuân Phương) khẳng định, chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, đông người. Việc các thế lực thù địch xuyên tạc tự do tôn giáo không thể nào phá vỡ được tình đoàn kết dân tộc.
Ông Đặng Xuân Hồng, Phó trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng), cho biết, Lâm Đồng là một trong 10 tỉnh có số lượng đồng bào tôn giáo đông, chiếm gần 70% trên tổng số 1,36 triệu dân. Trong đó có 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao Đài. Nhìn chung, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo diễn ra rất sôi động, được chính quyền các cấp quan tâm tối đa. Đặc biệt, quan hệ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội với các tổ chức tôn giáo rất gần gũi, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và lễ trọng (như lễ Phật đản, lễ Giáng sinh), đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh đều đến thăm, chúc mừng, tặng quà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Đại diện Tin lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh…
Ông Vũ Văn Uy, sinh hoạt tôn giáo tại Nhà thờ Thánh Tâm (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Nếu Đảng, Nhà nước không quan tâm, tạo điều kiện thì các tôn giáo nói chung không thể xây dựng nhà thờ, chùa, cơ sở thờ tự… khang trang, uy nghi, đẹp đẽ như hiện nay. Mặt khác, sinh hoạt tôn giáo cũng diễn ra tốt đẹp, đặc biệt là các ngày đại lễ, các tín đồ tập trung về rất đông. Nếu không có sự hỗ trợ quan tâm về mặt an ninh, giao thông… từ chính quyền địa phương thì sẽ khó đảm bảo về mọi mặt”.
Nước vinh, Đạo sáng
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến nay đạo Cao Đài có 988 họ đạo ở 35 tỉnh, thành phố, với hơn 11.000 chức sắc, hơn 43.000 chức việc, hơn 2,6 triệu tín đồ, hơn 1.200 cơ sở tôn giáo, 64 ban đại diện, 16 đại diện tỉnh, thành phố. Hiện nay, các Hội thánh Cao Đài đều xây dựng đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và thực hiện phương châm hành đạo “Nước vinh, Đạo sáng”. Phần lớn chức sắc, chức việc và tín đồ Cao Đài ngày càng tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Nhiều cơ sở thờ tự đã được chính quyền cấp phép xây dựng và sửa chữa ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Hoạt động giao lưu quốc tế, đối ngoại với các tổ chức tôn giáo nước ngoài ngày càng được mở rộng trong những năm gần đây.
Theo GS Thượng Mai Thanh, Ủy viên Ban Thường trực Hội thánh Cao Đài, Trưởng Ban Cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô, mặc dù số lượng tín đồ ít, nhưng thời gian qua các tín đồ luôn được tạo mọi điều kiện trong sinh hoạt, bày tỏ tự do trong thờ tự, tín ngưỡng. Hàng năm, nhất là dịp cuối năm, các tín đồ luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền từ cấp phường tới Trung ương.
“Tôi là người tham gia và đi theo đạo Cao Đài hơn 30 năm nay, tôi cũng là người đứng đầu và chịu trách nhiệm của một họ đạo tại thủ đô từ năm 2010 đến nay và thấy rằng, tất cả sinh hoạt của đạo Cao Đài đều được Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ. Nếu khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo, có thể chỉ ở những nơi họ không thực hiện đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Ai cũng thế, mỗi công dân sống trong quốc gia đều phải sống và thực hiện theo pháp luật”, GS Thượng Mai Thanh khẳng định.
Thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hàng năm, tại thánh thất Cao Đài tại TP Hà Nội, những tín đồ luôn được Trưởng ban Cai quản tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn giáo, đặc biệt là “ngũ giới” cấm, từ đó, các tín đồ giáo dục, rèn luyện con cháu trong gia đình tiếp tục thực hiện những quy định trong giáo lý và pháp luật.
Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định, nhìn nhận, việc một số phần tử cố tình xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam là việc làm phiến diện. Ở tỉnh Nam Định, dù dân số khoảng 2 triệu người, nhưng đã có hơn 800 ngôi chùa và gần 900 sư, 647 nhà thờ công giáo (chưa kể các nhà thờ họ, miếu, phủ, đình, đền). “Chưa có thời nào các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, thịnh như thời nay. Tôi thấy Nhà nước rất tạo điều kiện, mở cửa cho Phật giáo phát triển. Trong xã hội, luôn có một vài phần tử chống đối, nói xấu, nhưng mình hãy vì đại cục, không chấp cái tiểu cục”, Thượng tọa Thích Quảng Hà nêu ý kiến.