Báo trên nhận định, mặc dù các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đang được áp dụng ở TPHCM và số các ca nhiễm biến chủng Delta tăng cao đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất, câu chuyện toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của giới đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ vẫn không thay đổi.
ARF nhấn mạnh, trong vài thập niên gần đây, Việt Nam đã xuất sắc trong việc thu hút các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử, giày dép và quần áo. Chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và thủ tục hành chính được đơn giản hóa là những yếu tố hấp dẫn những công ty như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis. Trong những ngày qua, khi nhiều tỉnh thành ở Việt Nam phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhiều nhà máy của các công ty này vẫn mở cửa hoạt động theo chính sách “3 tại chỗ”, theo đó các công nhân và nhân viên thực hiện ăn, ngủ và làm việc tại chỗ.
Trao đổi với tờ ARF, ông Simon Fraser, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Australia (AustCham) tại Việt Nam, nêu rõ, trong khi một số người nước ngoài, đặc biệt là những người có con nhỏ không thể đi học trong nhiều tháng, đã rời khỏi Việt Nam, nhiều người khác vẫn tiếp tục ở lại, trong đó có các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết họ không hoảng sợ và muốn ở lại Việt Nam để công ty của mình có thể phục hồi càng sớm càng tốt. Ngay cả khi các dự báo tăng trưởng bị giảm, các nhà kinh tế vẫn tin rằng Việt Nam sẽ phục hồi trở lại. Ngân hàng HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Việt Nam từ 6,1% xuống còn 5,1%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC đánh giá: “Bất chấp những thách thức trước mắt, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn rất khả quan với các yếu tố cơ bản vững chắc”.