Việt Nam tích cực đóng góp vào nỗ lực chung thúc đẩy ASEAN kết nối và tự cường

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch ASEAN 2024, Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan từ ngày 8 đến 11-10 tại thủ đô Vientiane, Lào. Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường đã càng khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN.

Vai trò quan trọng của Việt Nam

Các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 sẽ tập trung thảo luận các nội dung: (i) tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy hoàn tất đúng hạn các Kế hoạch Tổng thể 2025 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các Chiến lược triển khai trong giai đoạn tới; (ii) Kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, nhất là về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, được quan tâm hiện nay và (iii) trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Dự kiến các hội nghị lần này sẽ thông qua và ghi nhận khoảng 80 văn kiện về nhiều ưu tiên, lĩnh vực hợp tác cả nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác như xây dựng Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, triển khai Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết nối chuỗi cung ứng, hợp tác số, tuần hoàn nhựa, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, giáo dục mầm non, nông nghiệp bền vững, giao lưu nhân dân…

thutương.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào). Ảnh: VGP

Trước đó, ngay từ đầu năm 2024, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Lào và các nước triển khai hiệu quả các ưu tiên và sáng kiến hợp tác, ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công trọng trách, góp phần vun đắp “quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện” giữa hai nước. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, Đoàn Việt Nam sẽ nỗ lực và đóng góp hết mình vào thành công chung của các Hội nghị lần này.

Tại các phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề đang đặt ra hiện nay cho ASEAN và khu vực, cùng các nước thảo luận tìm kiếm hướng đi và giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác và liên kết khu vực, củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời, chủ động trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và đối tác để thúc đẩy quan hệ hợp tác cũng như trao đổi các vấn đề cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao ASEAN cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN; các phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN; Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và thanh niên; và Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0”.

Các hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, khó lường; cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, phân mảnh địa kinh tế gia tăng. Kinh tế thế giới duy trì xu hướng phục hồi nhẹ, song các yếu tố rủi ro vẫn thường trực do xung đột và bất ổn bùng phát và kéo dài ở nhiều nơi.

Các thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp hơn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên. Các xu thế lớn tiếp tục mang lại động lực tăng trưởng mới, song cũng đặt ra yêu cầu ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đi kèm như an ninh mạng, quản trị công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, ASEAN giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức đang nổi lên, củng cố lập trường nguyên tắc trong các vấn đề quốc tế, khu vực.

ASEAN “kết nối và tự cường”

Với chủ đề hợp tác năm 2024 “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, Chủ tịch Lào thúc đẩy nhiều sáng kiến, ưu tiên hợp tác thiết thực, đạt nhiều kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng cộng đồng.

4-nguyen-tac-ve-viec-treo-co-asean-va-su-dung-asean-ca.jpg
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới chuyển biến nhanh chóng và khó lường, ASEAN đang thể hiện sự đoàn kết vượt qua thách thức, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực

ASEAN tiếp tục là điểm sáng về kinh tế với dự báo tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt mức trung bình của thế giới. Tăng cường kết nối và liên kết giữa các nền kinh tế, ASEAN quyết tâm đẩy nhanh đàm phán các hiệp định cả nội khối và giữa ASEAN với các đối tác như nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh, thúc đẩy hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc, hoàn thành thủ tục phê duyệt Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand.

Nhiều khuôn khổ hợp tác được thúc đẩy, thể hiện sự chủ động của ASEAN trong việc nắm bắt và tận dụng các động lực tăng trưởng mới như đàm phán Hiệp định Kinh tế số ASEAN, thỏa thuận khung về lưới điện ASEAN, kế hoạch hành động ASEAN về nông nghiệp bền vững, lộ trình về tiêu chuẩn thương mại số ASEAN… Hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các lĩnh vực này cũng được đẩy mạnh, góp phần đưa quan hệ, kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực.

Hợp tác văn hóa - xã hội được tăng cường, chú trọng ứng phó các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, môi trường, hướng mạnh vào các nhóm dễ bị tổn thương với nhiều hoạt động có ý nghĩa như Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 3 về thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc, Diễn đàn trẻ em ASEAN, ưu tiên tái cơ cấu chiến lược thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đây cũng là dịp để các lãnh đạo ASEAN và đối tác thảo luận, đưa ra quyết sách cho nhiều vấn đề chiến lược đang đặt ra cho ASEAN và khu vực.

Tin cùng chuyên mục