Cụ thể, khảo sát công khai ngân sách (OBI) 2017 do IBP tiến hành dựa trên 3 trụ cột: công khai, tham gia và giám sát ngân sách.
Theo đó, ở trụ cột thứ nhất về công khai ngân sách, Việt Nam ghi được 15 điểm trên tổng điểm 100; trụ cột về sự tham gia của công chúng Việt Nam ghi được 7 điểm trên tổng điểm 100 và ở trụ cột giám sát ngân sách, Việt Nam ghi được 72/100 điểm đối với giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và 72/100 điểm đối với giám sát ngân sách của cơ quan kiểm toán.
Như vậy, chỉ số công khai ngân sách năm 2017 của Việt Nam thuộc vào nhóm thứ 5 - nhóm ít công khai nhất (đạt 0 - 20 điểm xếp hạng trên 100), gồm 27 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách.
So với khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar, thấp hơn nhiều so với những nước như Philippines (67/100), Indonesia (64/100).
Về tiêu chí giám sát, Việt Nam ở nhóm khá, với 72 điểm/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan kiểm toán.
Tuy nhiên, ông Joel Friedman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của tổ chức Đối tác ngân sách Quốc tế (IBP) nhận định, Việt Nam có triển vọng ghi được 60 điểm xếp hạng về tính minh bạch ngân sách (công khai ngân sách) sau khi áp dụng Luật Ngân sách 2015, bao gồm việc công khai bản Dự thảo dự toán ngân sách.
Chuyên gia Ngô Minh Hương (Trung tâm Phát triển và Hội nhập) cũng cho rằng, Luật Ngân sách 2015 đã có nhiều điều khoản thúc đẩy mạnh mẽ công khai minh bạch ngân sách nên tới kỳ khảo sát 2019, Việt Nam có thể thăng hạng ở tiêu chí công khai ngân sách.
Tuy nhiên, ngoài việc công bố tài liệu ngân sách, Việt Nam cần nâng cao chất lượng thông tin ngân sách và cần có cơ chế để tạo cơ hội cho sự tham gia của công chúng.