Chỉ số Cam là công cụ đo lường đột phá giúp đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia trên con đường hướng đến một tương lai bền vững và bao trùm. Đây là báo cáo nằm trong chuỗi theo dõi 4 năm về sự phát triển của hệ sinh thái đầu tư tác động tại Việt Nam.
Chỉ số Cam được đánh giá trên 3 trụ cột chính là tác động cộng đồng, bình đẳng giới và bảo vệ khí hậu, với thang điểm từ 1 đến 100. Chỉ số Cam 2024 sử dụng kết quả khảo sát từ 135 doanh nghiệp tác động xã hội trên nền tảng IIX Values trong giai đoạn từ tháng 1-2023 đến tháng 8-2024.
Kết quả khảo sát cho thấy, Chỉ số Cam 2024 của Việt Nam đạt 50 điểm, xếp vào hàng các quốc gia dẫn đầu ASEAN, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực bình đẳng giới với 49 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và vượt qua phần lớn các quốc gia trong khu vực ASEAN. Điều này phản ánh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp tác động xã hội trong việc trao quyền cho phụ nữ thông qua lãnh đạo và tham gia kinh tế.
Đáng chú ý, Việt Nam thể hiện hiệu suất mạnh mẽ đặc biệt trong Chỉ số tác động cộng đồng với 60 điểm.
Trong khi đó, Chỉ số giới cho thấy cam kết của Việt Nam đối với bình đẳng và hòa nhập, với 49 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và phần lớn các nước ASEAN.
Tuy nhiên, Chỉ số khí hậu của Việt Nam chỉ đạt 43 điểm.
“Với Chỉ số Cam 2024 đã cho thấy, Việt Nam là một nền kinh tế đang trên đà dẫn đầu làn sóng tăng trưởng bền vững và bao trùm tiếp theo của ASEAN”, GS Durreen Shahnaz, Giám đốc điều hành và là Người sáng lập Quỹ IIX nhận định.
Theo TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu xã hội và môi trường. Tuy nhiên, với điểm số thấp ở lĩnh vực môi trường lại cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư và cải cách chính sách, để nâng cao tính bền vững và khả năng thích ứng lâu dài.
Đầu tư tác động là một khái niệm đã bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam. Hiểu đơn giản đó là hoạt động đầu tư vào các dự án nhằm tạo ra tác động cho xã hội hoặc môi trường. Đây là một phương thức sáng tạo để thúc đẩy đóng góp của khu vực tư nhân vào sự phát triển bền vững.
Các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội đang tạo ra một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của các tổ chức kinh doanh truyền thống.
Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ KH-ĐT, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội và con số này đang có xu hướng tăng liên tục qua từng năm.