CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Với 11 quốc gia thành viên, hy vọng hiệp định này sẽ giúp đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào cuộc chiến thương mại. Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực.
Liên quan đến hiệp định trên, ngày 12-11-2018, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu tán thành. Như vậy, với quyết định của Quốc hội, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Tính đến nay các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam. Ngoài ra, các nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỷ USD, tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam; từ đó tạo điều kiện cho các dòng vốn FDI cũng như đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động mua cổ phần, mua bán sáp nhập tiếp tục có cơ hội tăng trưởng.
CPTPP sẽ thúc đẩy quá trình cải cách trong nước của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, song cũng gia tăng cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi hàng hóa nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa.
Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu rõ điều khoản của CPTPP để đánh giá được cơ hội và thách thức với chính ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; từ đó có những chiến lược, giải pháp phù hợp trong cạnh tranh, khai thác được các cơ hội mà CPTPP mang lại.