Việt Nam tham gia Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á

Sáng 29-10, tại TP Bangkok (Thái Lan), đại diện các quốc gia Đông Nam Á (gồm Brunei Darusssalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor-Leste và Việt Nam) cùng 3 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu dẫn đầu đoàn công tác của TPHCM. 

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-10-2024.

Hoạt động nhằm tìm kiếm nỗ lực chung giữa các thành phố thuộc Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự toàn cầu như: Phiên họp thứ 12 của Diễn đàn Đô thị Thế giới (WUF12) diễn ra tại TP Cairo (Ai Cập) từ ngày 4 đến 8-11-2024; Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về các thành phố học tập (ICLC 6) diễn ra tại TP Jubail (Vương quốc Ả Rập Saudi) từ ngày 3 đến 5-12-2024 với chủ đề “Các thành phố học tập đi đầu trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”...

z5977973576549_7918559512a24fec26b609418d3f9e5a.jpg
Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á diễn ra từ ngày 29 đến 30-10-2024 tại TP Bangkok (Thái Lan)

Tại các phiên làm việc, các thành phố cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, góp phần cung cấp những hiểu biết sâu sắc, các sáng kiến đổi mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thúc đẩy học tập suốt đời, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự giáo dục 2030.

Các hoạt động nhằm thúc đẩy sự hợp tác cấp khu vực, thiết lập nền tảng bền vững trong việc hợp tác đối thoại đối với việc thúc đẩy học tập suốt đời giữa các thành phố học tập.

Báo cáo tại hội nghị trao đổi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu, Trưởng đoàn công tác của TPHCM, cho biết, trong 2 năm 2024 và 2025, TPHCM đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, cơ sở giáo dục.

z5977736774563_dccfafd0f708576889350e4bb418e493.jpg
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á

Cùng với đó, Sở GD-ĐT TPHCM tham mưu UBND TPHCM hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng thành phố học tập, đặc biệt là chính sách hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng thành phố học tập; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện học tập suốt đời.

Đặc biệt, TPHCM đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố học tập; đa dạng hóa phương thức tổ chức học tập của công dân, tổ chức thông qua các chương trình giáo dục trên kênh phát thanh, truyền hình, các trang mạng, báo điện tử, các ứng dụng truyền hình của các đài phát thanh, truyền hình; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội để triển khai các hoạt động xây dựng thành phố học tập.

Hiện nay, TPHCM đang xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân thành phố; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân; triển khai xây dựng hệ thống, phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO; nghiên cứu đổi mới mô hình hoạt động, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập, gắn mục tiêu xây dựng thành phố học tập với phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á hiện có 19 thành phố học tập. Việc phát triển mạng lưới nhằm mang lại nhiều cơ hội cho việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm theo bối cảnh, khu vực và tình hình phát triển chung giữa các thành phố thành viên thuộc Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục