Tại đây, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH-CN), cho biết, Bộ KH-CN đang triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) với lò phản ứng nghiên cứu mới, hướng đến mục tiêu sản xuất dược chất phóng xạ và chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn sản xuất chip. CNST dự kiến đặt tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Trung tâm này sẽ có lò phản ứng hạt nhân dạng bể, công suất 10MW, sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Nga chế tạo.
Thông tin về tiến độ triển khai, TS Trần Chí Thành cho hay, dự án đã triển khai thiết kế lò phản ứng và khảo sát địa điểm về sự phù hợp trong việc xây lò mới. Lò nghiên cứu mới có nhiệm vụ sản xuất dược chất phóng xạ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sản xuất gần 10 loại dược chất phóng xạ, nhưng với lò mới có thể tăng công suất từ 5-7 lần. Lò phản ứng mới hướng tới mục tiêu đáp ứng dược chất phóng xạ trong điều trị và chẩn đoán ung thư.
Hiện Bộ KH-CN giao Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân... Điều này nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ nghiên cứu, ứng dụng khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn khi CNST đi vào hoạt động.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, chủ trương của Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả ứng dụng trong ngành y học, nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản cho thấy nhu cầu thực tế cần năng lượng nguyên tử. Dự án cũng cần có thời gian chuẩn bị lâu dài, hướng mục tiêu đưa năng lượng nguyên tử ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội.