Chia sẻ tại tọa đàm này, TS Đặng Trọng Hợp, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội, đánh giá, hiện nay, nhu cầu nhân lực công nghệ số tại Việt Nam đang tăng mạnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và hệ thống tự động hóa.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 200.000 nhân lực công nghệ số và con số này có thể tăng lên 220.000 người vào năm 2026 nếu không có sự cải thiện trong công tác đào tạo.
TS Hợp cho biết, một trong những khó khăn lớn hiện nay là sự không đồng bộ giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải đào tạo lại nhân viên vì kỹ năng học được không phù hợp với công việc thực tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
“Tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ mới đang là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, chúng ta cần đào tạo nhân lực làm việc ở các vị trí sáng tạo hơn, thay vì chỉ dừng lại ở những công việc đơn giản”, TS Hợp nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý, mặc dù nhân lực Việt Nam có thế mạnh ở các ngành STEM (khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học), nhưng việc đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực như bán dẫn, IoT (Internet of Things) và tự động hóa vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và công nghệ.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực công nghệ số, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với các cơ sở đào tạo, từ đó đảm bảo chất lượng và tính khả thi của các chương trình đào tạo, giúp sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tích cực đầu tư vào đào tạo nội bộ và khuyến khích các sáng kiến cải tiến công nghệ trong quá trình sản xuất, qua đó tạo ra môi trường thuận lợi cho nhân viên phát triển kỹ năng công nghệ số.
Thông tin từ Bộ Công thương, những năm qua, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng tại Việt Nam. Năm 2023, các tổ chức quốc tế ghi nhận Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa đạt 30 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt gần 45 tỷ USD.
Thống kê gần đây cũng cho thấy, chuyển đổi số đã giúp gia tăng 8,6% giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 và doanh thu công nghiệp, công nghệ số ước đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với năm trước.
Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đi đầu về chuyển đổi số toàn diện, trong đó 100% dịch vụ điện cấp độ 4 đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 99,54% các giao dịch sử dụng điện được thực hiện trên môi trường điện tử (toàn bộ quá trình sử dụng điện đã số hóa và liên thông với nhau từ yêu cầu sử dụng điện đến thanh toán hóa đơn… đều thực hiện trên môi trường điện tử).
Với ngành dệt may, hiện 35% nhà sản xuất dệt may sẵn sàng tích hợp công nghệ IoT, 42% sẵn sàng với điện toán đám mây, 18% sẵn sàng áp dụng chuỗi khối và 27% sẵn sàng sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu…
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030 cũng đang được Bộ Công thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Quá trình chuyển đổi số thời gian qua được đánh giá đã làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp, đưa tỷ trọng của những ngành khai thác giảm dần và tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo tăng dần. Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp công nghiệp còn thấp. Chuyển đổi số mới chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn…