Tại mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển nêu rõ, để hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững” nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác dân số và các yếu tố tác động đến phát triển bền vững của đất nước, để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến già hóa dân số và giảm tỷ suất sinh. Đồng thời, tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12-2024 và trình Quốc hội vào tháng 10-2025.
"Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong khuyến khích tăng mức sinh ở vùng mức sinh thấp và thích ứng với già hóa dân số, trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư. Do vậy, tôi rất mong cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và đề nghị các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số, lồng ghép các yếu tố dân số trong các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cùng với những thành tựu đạt được, công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức. Đáng lo nhất là từ năm 2020 đến nay, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, làm mức sinh của toàn quốc năm 2023 giảm xuống còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Cùng với đó, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang rất nhanh. Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có 1 người trên 60 tuổi.