Sáng nay 22-7 tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020, nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Nghị quyết số 55 tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, dành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch.
Để làm được điều này, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…
Theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để chuyển giao hiệu quả sang định giá theo thị trường, nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần phải xây dựng một kế hoạch cải tổ giá toàn diện và giảm thiểu tác động của Nhà nước lên định giá năng lượng.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là hoàn thiện thể chế để tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển điện năng và kiểm soát sự phát triển đúng hướng, hiệu quả bên vững.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thông qua diễn đàn này, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về năng lượng quốc gia sẽ được quán triệt; cơ quan Đảng và Quốc hội, các bộ ngành của Việt Nam cũng như các cơ quan, các tổ chức đối tác quốc tế cùng trao đổi để triển khai thực hiện giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết 55 đề ra.
Theo Phó Thủ tướng, tại Việt Nam, để huy động nguồn lực từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn, chưa kể nguồn vốn để đầu tư cho mạng lưới chuyển tải điện, tương đương khoảng 7-10 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về chính sách, các quy định liên quan đến công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, cần phải rà soát, sửa đổi một số luật như Luật Điện lực, Luật Dầu khí… để hạn chế sự chồng chéo giữa các luật. Đồng thời xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển năng lượng cũng như cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, cần xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn.
Còn theo bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chính phủ sẽ sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ một nước xuất khẩu năng lượng, hiện Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu thô năng lượng. Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược là chủ trương lớn của Chính phủ để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài.
“Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ thúc đẩy triển khai chương trình trao đổi điện từ các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhập khẩu từ các nhà máy điện hoặc qua lưới điện; nghiên cứu liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng Mê Công để tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng”, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài. Thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có tiềm năng về nghiên cứu và phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; tranh thủ hợp tác nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học công nghệ đối với cán bộ và tổ chức khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.