Khai mạc cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mặc dù tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn (từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan). Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới đang trở thành yêu cầu cấp bách.
Thực hiện “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” vừa được Chính phủ ban hành, Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo “Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trên cơ sở này, tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang lấy giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ tư tưởng tự cung tự cấp sang tư tưởng hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Trong đó cần hướng tới các “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.
Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, khát vọng của ngành nông nghiệp Việt Nam là không chỉ trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn mà quyết tâm hướng đến khát vọng trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.
Để hướng tới thước đo bền vững, tại cuộc đối thoại, bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần thích ứng và giảm thiểu. Nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 giữa các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí thải metan trước năm 2030… Đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.
Thế giới đang ngày càng quan ngại về lượng phát thải khí nhà kính (chủ yếu là carbon dioxide) được thải vào khí quyển. Việt Nam có “dấu chân carbon” khá cao trong sản phẩm nông nghiệp và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thành tựu kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua.
Đề nghị Việt Nam cần duy trì vị thế là một trong những nước sản xuất nông nghiệp mạnh trên thế giới, bà Carolyn Turk khẳng định WB sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư trong nông nghiệp để hướng tới tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Để làm được điều này, cần tìm ra động lực tăng trưởng mới và hiệu quả hơn trong nông nghiệp”- bà Carolyn Turk nói. Đó là nông nghiệp Việt Nam trong tương lai cần dựa vào tri thức nhiều hơn để gia tăng giá trị thay vì chạy theo tập quán “thâm dụng” tài nguyên, phát thải nhiều carbon.