Việt Nam sẽ đệ trình UNESCO 2 di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 29-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc gửi hồ sơ “Mo Mường” và “Nghệ thuật Chèo” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Nghệ thuật Chèo được người dân yêu thích
Nghệ thuật Chèo được người dân yêu thích

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa di sản văn hóa phi vật thể “Mo Mường” (Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội và Đắk Lắk) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” (Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ý kiến đồng ý này dựa trên đề nghị của Bộ VHTT-DL và thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Phó Thủ tướng ủy quyền Bộ VHTT-DL ký các hồ sơ theo quy định.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ VHTT-DL làm các thủ tục cần thiết để gửi các hồ sơ di sản tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân tộc Mường. Không gian tổ chức các hoạt động diễn xướng và lời mo được diễn ra trong đời sống cộng đồng và trong từng gia đình tổ chức một nghi lễ. Chủ thể thực hành Mo Mường là các thầy mo - những người giữ tri thức mo, thuộc lòng hàng vạn câu mo và thông thạo các nghi lễ, tập quán, là người có uy tín được cộng đồng tin tưởng.

Khi thực hành nghi lễ, thầy mo là người nói, đọc, hát các bài mo. Người dân tộc Mường không có chữ viết riêng nên các bài mo (bài khấn) của người Mường được lưu truyền từ thế hệ thầy mo này qua thế hệ thầy mo khác bằng phương pháp truyền miệng, được tồn tại và duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường.

Mo Mường bao gồm rất nhiều bài mo, đoạn mo được sử dụng trong từng nghi lễ cụ thể. Mo Mường có 9 thể loại: mo trong lễ tang (mo ma), mo vía (mo voái), mo giải hạn, mo xin số, mo ngày tết, mo thổ công thổ địa, mo đôi đũa, mo mát nhà, mo mụ.

Còn nghệ thuật chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở Đồng bằng sông Hồng cùng 2 khu vực lan tỏa là Trung du miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Chèo mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian nhằm tạ ơn thần thánh phù hộ cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm và để những người nông dân thường ngày chân lấm tay bùn có thể giao lưu, cất lên tiếng lòng của mình. Chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi phẩm chất cao quý của con người, cũng có những vở chèo mang tính hài hước, phê phán các thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ X đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội người Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục