Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA, cho biết, Việt Nam đạt mốc 20 triệu người dùng Internet vào năm 2008, chiếm khoảng 24% dân số; đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40% dân số sử dụng Internet. Đại diện VIA ước tính, Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người dùng Internet vào năm 2029.
“Cơ hội mở ra cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là rất lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường với số lượng người dùng Internet ước tính sẽ đạt hơn 100 triệu người vào năm 2029”, vị đại diện VIA nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (của Bộ TT-TT) cho biết, hạ tầng số đã trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng số quan trọng như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và cần được đầu tư trước, có khả năng mở rộng trong tương lai.
Hạ tầng số tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, mở ra cơ hội mới, không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp viễn thông.
Chiến lược hạ tầng số của Việt Nam đã xác định một số định hướng lớn bao gồm: phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, phủ sóng 5G rộng khắp, đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu.
Hiện nay, Bộ TT-TT đã ban hành khung phát triển hạ tầng số, thiết lập một khuôn khổ rõ ràng để các doanh nghiệp xác định không gian phát triển mới. Khung phát triển hạ tầng số bao gồm 4 thành phần chính: hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số.
Đối với việc đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu, Việt Nam sẽ đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác trong năm 2025. Việt Nam cũng dự định bổ sung thêm ít nhất 8 tuyến cáp quang biển đến năm 2030, nâng tổng dung lượng thiết kế đáp ứng yêu cầu dự phòng tối thiểu “1+2”. Điều này đảm bảo tính bền vững, an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế, đảm bảo kết nối không bị gián đoạn, tăng cường năng lực băng thông kết nối quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ TT-TT khuyến khích phát triển các nền tảng cung cấp công nghệ số IoT, AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain), an ninh mạng như dịch vụ. Các nền tảng này sẽ hoạt động như cơ sở hạ tầng mềm thiết yếu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân khai thác công nghệ, giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu.
Bộ TT-TT đặt mục tiêu đến năm 2030, trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ sở hữu 4 kết nối IoT, đem đến bước tiến quan trọng trong việc kết nối các thiết bị, thu thập dữ liệu và triển khai tự động hóa thông minh trên nhiều lĩnh vực.