Báo cáo kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đã được gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để phục vụ Phiên họp toàn thể của Uỷ ban, diễn ra sáng nay 25-9.
Xuất siêu 8 tháng đạt 13,5 tỷ USD
Bản Báo cáo nêu nhận định khái quát: “Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng”.
Với tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5%-3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu là 33%-34% GDP).
Nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019). Xây dựng nông thôn mới và đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được chú trọng; đến cuối năm 2020 dự kiến có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu đề ra là 50%). Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%.
Đặc biệt, điểm sáng quan trọng của nền kinh tế được Báo cáo nhấn mạnh là xuất khẩu tăng, xuất siêu 8 tháng đạt 13,5 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ, 8 tháng tăng 15,3%. Đồng thời, các cấp các ngành chú trọng nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế. Thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỷ USD; dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó còn đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đưa vào vận hành một số nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng của Chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách thực chất hơn, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao những tiến độ vượt bậc của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đạt nhiều kết quả, biên chế công chức và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước lần lượt giảm 2,34% và 3,13% (năm 2019 là 2,08% và 1,18%).
Nước ta cũng tiếp tục duy trì xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo, đứng đầu các nước có mức thu nhập trung bình thấp; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm, riêng các huyện nghèo giảm trên 5 điểm phần trăm, đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh các kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực rất đáng ghi nhận nêu trên, việc cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực có chuyển biến nhưng còn chậm. Chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư công còn hạn chế; thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước không đạt kế hoạch. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước tăng; đổi mới khu vực sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận người lao động, người dân gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhất là ở khu vực thành thị; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm…
Năm 2021, GDP bình quân đạt 3.700 USD/ người
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tình hình thế giới, khu vực vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; xu hướng bảo hộ thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt; Đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do độ mở cao, hội nhập sâu rộng và những hạn chế, bất cập nội tại.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Nêu cụ thể các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt, cơ quan tham mưu của Chính phủ về kế hoạch đầu tư cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%-6,5% so với năm 2020; Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%-47%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 1.342 nghìn tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 1.686 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 344 nghìn tỷ đồng. Nợ công bằng khoảng 46%-48% GDP, nợ Chính phủ bằng khoảng 40%-42% GDP.