Báo cáo do Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế thực hiện.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, phát biểu tại diễn đàn, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu, đồng thời là “luật chơi” mới của thương mại và đầu tư toàn cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng hợp tác quốc tế về đầu tư, tài chính khí hậu.
Theo ông Cường, Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa cam kết tại COP26, trong đó có Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh và Đề án triển khai cam kết Net Zero. Song song với chuyển đổi năng lượng, Việt Nam xác định thị trường carbon là công cụ then chốt để huy động nguồn lực xã hội cho mục tiêu giảm phát thải.
Thị trường carbon được kỳ vọng giúp kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính, tạo cơ chế cho phép doanh nghiệp và tổ chức mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Cơ chế này cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24-1-2025, thị trường carbon Việt Nam sẽ phát triển theo 3 giai đoạn: Trước tháng 6-2025 hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Từ tháng 6-2025 đến hết năm 2028 vận hành thí điểm. Từ năm 2029 chính thức vận hành toàn quốc.