Ngoạn mục
Theo khảo sát của GS-TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong 10 năm qua (2009-2018), số lượng công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 bài công bố vào năm 2009, lên đến 8.234 bài năm 2018. Đặc biệt, nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng mạnh trong 3 năm gần đây. Trong năm 2013, trước khi có Nghị quyết 29, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2.309 bài. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của nhóm nghiên cứu độc lập Trường ĐH Duy Tân, tính từ năm 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6-2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường ĐH Việt Nam hàng đầu đã đạt 10.515 bài, hơn cả giai đoạn 2011-2015 (mới có 10.034 bài).
Cuối năm 2019, nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích từ cơ sở dữ liệu Web of Science - WoS và Scopus giai đoạn 2014-2018 của Việt Nam cho thấy: Năm 2018, số lượng công bố quốc tế hàng năm của Việt Nam có gần 10.000 bài, trong đó các cơ sở GDĐH đóng góp tới 70%. Về chất lượng nghiên cứu, Việt Nam có chỉ số trích dẫn bằng 9,2 - ngang mức trung bình của các cơ sở GDĐH châu Á.
Theo nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc gia Hà Nội, giai đoạn 2014-2018, Việt Nam có 30 cơ sở GDĐH có số lượng bài báo nhiều nhất. Trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội là 2 cơ sở giáo dục có tổng số bài báo cao nhất.
Phải đầu tư nhiều hơn
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội, năng suất khoa học - số lượng bài báo công bố quốc tế - của Việt Nam đang tăng qua từng năm và tăng mạnh hơn sau năm 2017. Chính sự gia tăng năng suất công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH đã quyết định mức độ gia tăng chung về công bố quốc tế của cả nước. Sự gia tăng có tính chất đột biến này diễn ra trong thời kỳ các cơ sở GDĐH Việt Nam được trao quyền tự chủ.
Đáng chú ý là chất lượng - chỉ số trích dẫn - bài báo quốc tế của Việt Nam xấp xỉ giá trị trung bình của khu vực châu Á. Theo đó, Việt Nam có 7 cơ sở GDĐH có chỉ số trích dẫn cao hơn chỉ số trung bình của cả nước và của châu Á là: Trường ĐH Y Hà Nội (18,1); Trường ĐH Y tế cộng đồng (16); Trường ĐH Duy Tân (11,8); Trường ĐH Mỏ địa chất (11); ĐH Quốc gia Hà Nội (10,7); Trường ĐH Kinh tế quốc dân (10,6), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (10,3).
Từ kết quả phân tích trên, nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong chiến lược phát triển Việt Nam có thể tập trung đầu tư cho các cơ sở GDĐH cùng với nhiều lĩnh vực, hướng nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, tự chủ ĐH và việc nâng cao năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học có mối liên hệ mật thiết.
Theo GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, thực tế cho thấy các nhóm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở các trường ĐH cần có những chính sách khác nhau. Các chính sách đầu tư phải hợp lý chứ không thể cào bằng, dẫn đến lãng phí, hiệu quả không cao. Có thể chia nhóm nghiên cứu thành 3 loại cơ bản là nhóm nghiên cứu cấp trường, nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia và nhóm nghiên cứu quốc tế. Từ đó sẽ đưa ra những chính sách đầu tư và yêu cầu chuẩn đầu ra cho phù hợp với từng nhóm nghiên cứu.
Nhấn mạnh về việc công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chỉ ở tầm trung khu vực, GS-TS Trần Đại Lâm, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, cho rằng việc thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh - với hạt nhân là những nhà khoa học uy tín - rất cần thiết. Để có trường ĐH đẳng cấp quốc tế, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nghiên cứu cơ bản - ứng dụng có hàm lượng khoa học cao, đạt chuẩn quốc tế thì phải có những chính sách phát triển khoa học đồng bộ, tạo cơ chế đặc biệt cho nhóm nghiên cứu mạnh.