Trước khi hội đàm, hai Thủ tướng cùng tham quan trưng bày ảnh về đất nước, con người và quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Nhật Bản.

Phát biểu tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng phát triển quan hệ với các đối tác trong khu vực, trong đó có Nhật Bản; coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu.
Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới sau hơn 1 năm nâng cấp; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản hướng tới kỷ nguyên mới của Việt Nam.

Sau khi hội đàm, hai Thủ tướng chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác quan trọng giữa các bộ, ngành, cơ quan của hai nước. Cụ thể:
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ KH-CN Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về hợp tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.
Bản thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về việc thúc đẩy các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng.

Sau 52 năm thiết lập, vun đắp v`à xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực; trở thành một điểm sáng trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới vào tháng 11-2023.
Quan hệ kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong quan hệ song phương. Nhật Bản là đối tác cung cấp vốn vay và viện trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn nhất; nhà đầu tư lớn thứ ba; đối tác thương mại, du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 46,2 tỷ USD; lũy kế đến tháng 3-2025, Nhật Bản có 5.557 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký hơn 78,6 tỷ USD và Việt Nam có 126 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đạt 20,6 triệu USD.

Đặc biệt, đến hết năm tài khóa 2024, Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 2.550 tỷ yen vốn ODA (tương đương hơn 23 tỷ USD).
Nhiều dự án, công trình trở thành biểu tượng trong quan hệ hai nước như: cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 của sân bay quốc tế Nội Bài và gần đây nhất là tuyến Metro số 1 TPHCM...

Hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, GD-ĐT, y tế, du lịch, hợp tác giữa các địa phương, lao động…
Trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chính thức đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở và tiểu học; số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51.000 người; Nhật Bản đã hỗ trợ nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam và thành lập Trường Đại học Việt Nhật tại Hà Nội.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã vượt 600.000 người, là cộng đồng lớn thứ hai tại Nhật Bản và đang tiếp tục tăng lên.

Hai bên phấn đấu sớm mở cửa thị trường cho quả bưởi Việt Nam và nho Nhật Bản; trao đổi về khả năng mở cửa thị trường cho các mặt hàng hoa quả, nông sản khác của hai bên như chanh leo Việt Nam và đào Nhật Bản...

Trước lễ đón, Thủ tướng Ishiba Shigeru đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.