Theo Bộ Công thương, mặc dù điều này tạo ra thách thức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Âu ngay tại sân nhà, nhưng đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, tăng cường chuyển giao công nghệ.
Bằng việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam và EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất... Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chia sẻ thông tin sâu hơn tại cuộc tọa đàm do Bộ Công thương tổ chức ngày 6-12 về nội dung này, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, lâu nay nói tới EVFTA, chúng ta thường nhắc nhiều tới xuất khẩu, nhưng hiện nay doanh nghiệp của chúng ta cũng đang hưởng lợi rất nhiều khi nhập khẩu từ thị trường này.
Sau 2 năm tham gia, tăng trưởng nhập khẩu của EU vào Việt Nam cũng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm - linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu. Nhóm sản phẩm máy móc, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử chiếm tới 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022. Nhóm hàng máy móc, thiết bị cũng đạt tỷ trọng hơn 18%. Ngoài ra còn có các nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của Việt Nam cũng chiếm trên 10% (chủ yếu là sản phẩm hóa chất).
Theo đánh giá của ông Hưng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu các loại thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ thị trường châu Âu và những mặt hàng nhập khẩu này là để phục vụ cho chính quá trình sản xuất các loại hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
“Từ những thiết bị máy móc và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU mà nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm tăng được giá trị gia tăng và từ đó chúng ta cũng tăng được kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam”- ông Hưng nói.
Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), EVFTA đã mang lại những cơ hội lớn trong thu hút đầu tư của châu Âu tại Việt Nam.
“Tình hình thu hút đầu tư diễn biến tương đối tích cực, số đầu tư đăng ký mới từ khu vực EU vào thị trường Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Sự gia tăng này thể hiện không chỉ ở tổng số vốn mà còn là quy mô trung bình của các dự án, với khoảng trên dưới 12 triệu USD của mỗi dự án là mức cao hơn so với bình quân chung và so với trước khi có EVFTA”- ông Dương nhận xét.
Đại diện của CIEM cho rằng, EVFTA đã giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng hơn, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị khi ban hành Nghị quyết 50 vào năm 2019 về các định hướng thu hút đầu tư nước ngoài gắn với sàng lọc và tập trung thu hút các dự án có chất lượng.
Đề cập sâu hơn tới khía cạnh này, ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn DKNEC cho biết, EU có nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến. Chúng ta cần tiếp cận ngay những công nghệ này để nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất trong
“Hiện chúng tôi đang có 23 đối tác ở Đức, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch… Trước đây khi chưa có EVFTA thì thuế suất nhập các linh kiện và thiết bị IKD rất là cao. Nhưng khi có EVFTA thì nhờ giảm thuế, giá linh kiện và thiết bị IKD sẽ thấp xuống, chúng tôi đã có lợi thế để chế tạo những sản phẩm mà có thể xuất ngược sang một số quốc gia”- ông Hiến nói.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cũng khẳng định, EVFTA là điểm nhấn để thu hút đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam. Tuy nhiên bà Trang đề nghị Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, tăng hàm lượng nội địa lên đến 30%. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng để giúp các nhà đầu tư châu Âu yên tâm phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam.