Điều thú vị này một lần nữa được lặp lại. Chỉ 1 tháng sau khi đắc cử, ông Suga Yoshihide cũng chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên. Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Suga không đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là sự lựa chọn có tính toán kỹ lưỡng. Chỉ nhìn vào thành phần đoàn rất “hùng hậu” với hơn 160 người tháp tùng cho thấy Thủ tướng Nhật Bản rất coi trọng ý nghĩa của chuyến đi lần này. Qua chuyến thăm, tân Thủ tướng Suga Yoshihide muốn khẳng định chính sách nhất quán của Nhật Bản đối với Việt Nam cũng như đối với khu vực Đông Nam Á.
Chuyến thăm là sự khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam không chỉ trong khu vực mà cả trên trường quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Cùng với Nhật Bản, Việt Nam cũng là thành viên tích cực của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực.
Chuyến thăm cũng là dịp để lãnh đạo hai nước thống nhất những định hướng lớn, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Các nước trong khu vực, trong đó có cả Nhật Bản và Việt Nam, đều đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc vừa phải ứng phó với đại dịch Covid 19 vừa phải tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ hội mới cho hai nước đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư… Thủ tướng Suga Yoshihide có thể khẳng định lại chính sách của Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam đang là một lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Việc ông Suga chọn Việt Nam và Indonesia là hai nước cùng trong khu vực Đông Nam Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên là sự khẳng định Nhật Bản hết sức coi trọng khu vực Đông Nam Á và quan hệ với ASEAN trong tầm nhìn về một Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tự do, rộng mở mà Nhật Bản là nước đầu tiên khởi xướng vào năm 2007. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho các hội nghị cấp cao ASEAN, cấp cao Đông Á và các hội nghị cấp cao khác mà Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, sẽ là nước chủ trì. Ông Suga có thể bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Nhật Bản để Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quan trọng nêu trên vào tháng 11, cũng như có thể đưa ra những biện pháp mới thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN…
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư mới từ các nước, trong đó có Nhật Bản. Khảo sát của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cho thấy, hơn 100 tập đoàn kinh tế trên thế giới đang bày tỏ quan tâm tới Việt Nam. Đây là cơ hội mà ta phải hết sức nỗ lực để nắm bắt. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tích cực vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhận xét rằng, tại Việt Nam, dù chính sách ở Trung ương thông thoáng nhưng mỗi địa phương hoặc thậm chí mỗi bộ phận tại cùng một địa phương lại có cách giải thích khác nhau. Điều này khiến họ cảm thấy có sự không nhất quán từ trên xuống dưới. Rõ ràng, đây là một trong những điểm Việt Nam cần thực sự quan tâm cải thiện. Một điểm khác mà họ cũng hay bày tỏ băn khoăn đó là tính ổn định của chính sách. Những nhà đầu tư lớn rất lo ngại nếu chính sách thường xuyên thay đổi. Do đó, cần phải làm cho họ yên tâm rằng những chính sách khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài là nhất quán, lâu dài và ổn định.
Thủ tướng Suga Yoshihide là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Vì vậy, có thể kỳ vọng tiếp sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản sẽ có thêm nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các nước tới thăm Việt Nam.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản - những người bạn thủy chung và tin cậy - sẽ có một tương lai tươi sáng mới và sẽ ngày càng gắn bó bền chặt hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.