2 thành phố năng động
Trong bảng xếp hạng Chỉ số tăng trưởng thành phố (TP) các thị trường mới nổi (CMI) lần thứ 6 của Tập đoàn Tư vấn bất động sản toàn cầu JLL, Việt Nam có 2 TP ở trong top 10 về những TP sở hữu nền kinh tế xã hội và thương mại bùng nổ nhất với thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ 3 và TPHCM vị trí thứ 8.
JLL cho biết: "TPHCM được xem là điểm đến cho các doanh nghiệp, ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài cùng với sự hiện diện dày đặc của các tập đoàn trong và ngoài nước. Thủ đô Hà Nội dù đi sau TPHCM về mặt thương mại, nhưng cũng là một TP đang phát triển nhanh chóng".
Theo JLL, Việt Nam được cân nhắc là sự lựa chọn thay thế Trung Quốc nhờ vào chi phí lao động thấp hơn. Tranh chấp thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có thể mang lại lợi ích dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam. TPHCM và Hà Nội đều đang thu hút những khoản đầu tư khổng lồ từ các công ty công nghệ đa quốc gia, điển hình như Microsoft, LG, Intel và đáng chú ý nhất là Samsung. Các kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng như các tuyến đường sắt đô thị (metro) sẽ giúp giảm tắc nghẽn giao thông.
Thị trường bất động sản Việt Nam còn khá non trẻ, lại phải vật lộn với nhiều thử thách như tính minh bạch thấp và khối lượng cổ phiếu cấp đầu tư khan hiếm. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nhiều động thái tăng tính minh bạch, như cải tiến quá trình đăng ký đất đai, thực hiện định giá tài sản tốt hơn và ứng dụng các hệ thống chứng nhận công trình xanh.
JLL nhận định: "Việt Nam đang tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng tốt nhằm thu hút lượng đầu tư từ nước ngoài ở tất cả danh mục bất động sản. Thị trường rất triển vọng trong thời gian gần đây do sự gia tăng sức mua, tăng trưởng chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng và dân số đô thị được mở rộng và nhân khẩu học trẻ".
Mặt khác, JLL vừa công bố báo cáo Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu tại Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng, hội tụ đủ điều kiện tiềm năng cho sự phát triền bền vững trong tương lai.
Top 20 đầu tàu
Nếu bạn so sánh Việt Nam với hầu hết nước trên thị trường mới nổi, bạn sẽ phải nói rằng nó gần như là nền kinh tế tốt nhất. Báo Morning Star |
Trong đó, Trung Quốc đứng thứ nhất với mức đóng góp 32,7%, xếp thứ 2 là Mỹ với tỷ lệ đóng góp 13,8%, theo sau lần lượt là Ấn Độ (13,5%), Indonesia (3,9%), Nhật Bản (2,4%), Nga (2%)… Việt Nam có mức đóng góp 1%.
Trong một báo cáo trước đó, IMF đã nhận định tuy chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu trong năm 2018, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định vĩ mô nhờ thu nhập và tiêu dùng của nhóm trung lưu tăng ổn định, mùa màng thuận lợi cùng khu vực sản xuất phát triển mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng được lợi thế để ký kết các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU (EVFTA) và CPTPP để thúc đẩy giao thương. Kinh tế Việt Nam cũng có những dấu hiệu lạc quan như sự chuyển động chính sách và cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng.
Theo báo The Star (Malaysia), Việc Nam là đích đến tiếp theo của các hãng xưởng trên thế giới, chứ không phải Nam Á. "Việt Nam dường như là sự lựa chọn đồng thuận cho người chiến thắng trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung, khi Trung Quốc và các nhà sản xuất khác chuyển sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này" - bài viết ngày 7-10-2019 của The Star cho biết.
Tương tự, trong bài viết trên báo Lianhe Zaobao (Singapore) ngày 9-10, Sam Cheong Chwee, Giám đốc điều hành của Tập đoàn United Overseas Bank (UOB), nhận định Việt Nam đang nổi lên như ngôi sao sáng về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ở Đông Nam Á. Theo tác giả, dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam đã liên tục tăng trong những năm gần đây.
“Với đà phát triển kinh tế và công nghiệp mạnh mẽ, Việt Nam luôn là đối tác và thị trường quan trọng ở Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng các khu kinh tế và công nghiệp trọng điểm, từ đó nâng cao năng lực thu hút vốn FDI. Chẳng hạn, việc quy hoạch và xây dựng TP cảng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế mới ở vùng Đông Bắc đã giúp thu hút lượng lớn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” - tờ The Star viết.
Cùng nhận định tích cực về Việt Nam, U.S. News & World Report (Mỹ) mới đây cho hay, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện, giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai.
Việt Nam đang thể hiện hướng đi đúng để lọt vào top các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hay theo kịp các quốc gia có thu nhập cao OECD vào năm 2045.
Việt Nam đang chiếm thế thượng phong trên nhiều khía cạnh và là điểm nóng của dòng vốn đầu tư quốc tế nếu so với các quốc gia trong khu vực. Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) nhận định: “Chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế như Singapore, Thái Lan và Philippines tăng trưởng giảm sút do xuất khẩu chậm lại đã đè nặng lên tăng trưởng”.
Nhiều cơ hội
Tờ Morning Star (Anh) ngày 22-2-2019 cho biết Việt Nam đang là một trong những nước phát triển nhanh nhất và sôi động nhất trên thế giới. Nền kinh tế bùng nổ của Việt Nam mang đến nhiều cơ hội đầu tư. GDP tăng trưởng hơn 7% trong năm 2018, dự báo tăng trưởng tương tự cho năm 2019.
Một số nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính chính xác của dữ liệu này, nhưng Sat Duhra, đồng quản lý của Henderson Far East Profit (HFEL), cho biết hầu hết các công ty ông biết đều tăng trưởng khoảng 30-40%.
Morning Star trích dẫn bà Emily Fletcher, đồng quản lý của BlackRock Frontiers (BRFI), lập luận rằng vốn FDI và sự tăng trưởng xuất khẩu nó mang lại đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. "Chừng nào FDI tiếp tục tăng, nền kinh tế Việt Nam cũng vậy".
Tờ báo cũng trích dẫn ông Robert Horrocks, Giám đốc đầu tư Matthews Asia, nói vị trí địa lý của Việt Nam rất tốt. Đường bờ biển có rất nhiều cảng nước sâu có thể kết nối Việt Nam qua hàng hải với hệ thống tài chính toàn cầu, hay bằng đường sắt và đường cao tốc đến phần còn lại của Đông Nam Á và vào Trung Quốc, cũng như bằng đường hàng không.
“Trái ngược với hầu hết khu vực trên thế giới, chính trị của Việt Nam rất ổn định, lạm phát thấp ở mức khoảng 3% và tiền tệ cũng ổn định. Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn, đặc biệt là với Mỹ. Hơn nữa, nước này vay 65% GDP nhưng chủ yếu từ các nhà đầu tư địa phương, thay vì Mỹ. Nếu bạn so sánh Việt Nam với hầu hết các nước trên thị trường mới nổi, bạn sẽ phải nói rằng nó gần như là nền kinh tế tốt nhất" - Morning Star viết.
Thị trường đầy hứa hẹn
Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng, hội tụ đủ điều kiện tiềm năng cho sự phát triền bền vững trong tương lai. Tập đoàn Tư vấn bất động sản toàn cầu JLL |
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, có tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP rất cao và khối lượng giao dịch hàng ngày tốt. Hàng tỷ USD đã được huy động thông qua phát hành quyền chọn, IPO và hoạt động thị trường vốn khác trong năm 2018.
Hơn nữa, trong 2 năm tới, Chính phủ muốn tư nhân hóa 400 doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ giúp thanh khoản thị trường dồi dào hơn. Việc được đưa vào Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI cũng sẽ dẫn đến dòng vốn đáng kể từ các quỹ ETF vào đổ thị trường.
"Tuy nhiên, trở ngại Việt Nam cần phải vượt qua là giới hạn đối với quyền sở hữu nước ngoài. Nhiều công ty muốn đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam nhưng đã đạt giới hạn liên quan đến sở hữu nước ngoài”- Morning Star viết.
Ngôi sao đang lên
Đây là danh hiệu Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank) dành cho Việt Nam. Theo DBS Bank, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng với mức 6,5%/năm trong thập niên tới và do đó sẽ vượt Singapore về quy mô.
Theo nhận định của DBS Bank, các yếu tố cơ bản gồm sự cải thiện năng suất lao động, cơ sở hạ tầng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng mở rộng, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của nguồn vốn FDI.
Ông Irvin Seah, chuyên gia kinh tế cao cấp của DBS, trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 28-5-2019, nhận định trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng để duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%. Trong đó, 5,5% từ tăng năng suất lao động và 1% còn lại trong thời gian tới do dân cư trong độ tuổi lao động, tương đương với 69% quy mô của nền kinh tế Singapore.
“Nói một cách đơn giản, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn nền kinh tế Singapore, nếu Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng này trong 1 thập niên. Trong khi Singapore tiếp tục tăng trưởng với một tốc độ đã chín muồi 2,5%” - ông Irvin Seah dự đoán.
Đài truyền hình NHK World của Nhật Bản cũng gọi Việt Nam là ngôi sao đang lên của khu vực. Theo NHK, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư quốc tế đến từ Ấn Độ, Philippines, Singapore... Việt Nam đang thu hút dòng vốn FDI khổng lồ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Họ bị hấp dẫn bởi nguồn lao động dồi dào, các chính sách ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam và ảnh hưởng tích cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Kể từ khi Mỹ áp đặt mức thuế cao lên hàng nhập khẩu Trung Quốc vào thị trường nước này, các công ty có xu hướng di dời nhà máy từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam, đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và phát triển kinh tế của Việt Nam" - NHK cho biết.