Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là buổi gặp mặt có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng Chính phủ, là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với phụ nữ Việt Nam nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng; đồng thời là dịp để chúng ta khắc sâu thêm niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại cuộc gặp mặt. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 đồng chí (chiếm 9,5%), trong đó có 1 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, 2 nữ trong Ban Bí thư, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 3 nữ Bộ trưởng...
Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) có 16% nữ, trong đó có 7 nữ Bí thư, 15 nữ Phó Bí thư tỉnh, thành ủy. Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện có 17% nữ.
Tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước, 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV đạt 30,26% (cao hơn 3,54% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu 30%); tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước).
Nữ lãnh đạo cấp tỉnh có 24/263 người, trong đó có 2 nữ Chủ tịch UBND, 22 nữ Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Có 61/63 tỉnh thành có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ với tỷ lệ ở cấp tỉnh thấp nhất là 11,3%, cao nhất là 35%; cấp huyện là 15,3% (cao hơn 3,4% so với nhiệm kỳ trước).
Cùng với sự tiến bộ và phát triển của nữ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học không ngừng phát triển, trưởng thành. Nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực được tôn vinh và trao tặng giải thưởng. Với những kết quả đạt được, Việt Nam được Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; trên tất cả các lĩnh vực đều có sự tham gia và cống hiến của nữ giới. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới được xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính; Việt Nam xếp 87/156 quốc gia về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031. Theo đó, thời gian tới Đảng đoàn sẽ có văn bản gửi các cơ quan liên quan giới thiệu nguồn nhân sự chất lượng cho Quốc hội nhiệm kỳ 2026 - 2031 bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền. Trong đó, tỷ lệ đại biểu nữ phải đạt cao hơn, đặc biệt là tỷ lệ nữ đại biểu chuyên trách đạt 40%.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ còn những khó khăn, hạn chế như mặc dù trung bình nữ giới chiếm 40% cán bộ các cấp bộ, nhưng họ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Phụ nữ cũng còn băn khoăn về tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, ly hôn trong các cặp vợ chồng trẻ, giá trị gia đình, truyền thống, giáo dục gia đình đứng trước nhiều thách thức trước tác động của mạng xã hội. Việc bảo đảm các điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy vai trò, vị thế vẫn còn nhiều khó khăn…