Phát biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 10-5 ở Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiều vùng canh tác ở Việt Nam bị hạn hán, xâm nhập mặn thì những kinh nghiệm và mô hình, kỹ thuật mà Israel làm được chính là hi vọng cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tham gia hội thảo này, ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, trước đây, quốc gia này luôn đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Để thoát khỏi tình trạng này, Israel đã nghiên cứu và sở hữu những công nghệ lõi, như công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ tái sử dụng nguồn nước, khử mặn, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng lưu trữ nước.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đề cao sự giáo dục con người, xây dựng văn hóa tiết kiệm nước.
Tham tán thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, ông Gal Saf cũng cho biết, đất nước này có tới 60% là sa mạc. Vì thế, Israel đã sử dụng các đường ống kết hợp công nghệ để tránh tình trạng thất thoát nước.
“Thay vì tạo ra nhiều nguồn nước mới, chúng ta có thể giảm thiểu chi phí tài nguyên bằng cách tiết kiệm lượng nước sử dụng và tái sử dụng”, ông Gal Saf chia sẻ.
Theo đó, 95% nước thải của Israel hiện được xử lý tại trung tâm xử lý nước thải - được đầu tư ở hầu hết các thành phố, tỉnh của Israel. Ông Gal Saf cho rằng, tái chế nước thải có thể giúp sử dụng nguồn nước vô hạn. Ngoài ra, quốc gia này còn nghiên cứu, đầu tư, xây dựng 5 nhà máy khử mặn, nhưng do công nghệ này có chi phí cao nên chủ yếu chỉ sử dụng để xử lý cho nước uống (85% nước uống của người dân Israel được lọc từ nước mặn).
Đại sứ Yaron Mayer cũng khẳng định, Israel có kinh nghiệm về hạn hán, sẵn sàng tư vấn về công nghệ và tìm ra các giải pháp, cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Còn ông Vũ Kiên Trung, đại diện Công ty Netafim (Israel) cho biết, doanh nghiệp này đã vào Việt Nam được 26 năm và tiên phong tạo ra nền tảng ứng dụng tưới tiết kiệm, tưới chính xác, đang áp dụng cho hàng chục ngàn ha rau, hoa ở tỉnh Lâm Đồng, thanh long ở tỉnh Bình Thuận, khoai lang ở Tây Nguyên…
Ông Trung cho rằng, những năm tới, khu vực Tây Nguyên sẽ tái canh cà phê hàng loạt nên nhu cầu tưới là rất lớn và mô hình tưới nhỏ giọt cần áp dụng để tăng hiệu quả, giảm chi phí, tiết kiệm nước.
Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đến nay, Việt Nam đã có 530.000 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhưng trong đó chủ yếu là tưới phun mưa, còn tưới nhỏ giọt mới có rất ít.