Ông Vitit Lim (ảnh) hiện nay là người phụ trách các văn phòng đại diện tại các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam của NXB McGraw-Hill (một trong những NXB Mỹ lớn nhất thế giới). Nhân dịp Hội sách TPHCM lần thứ 5, Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông về thị trường sách Việt Nam hiện nay.
* PV: Ông đã làm việc ở Việt Nam được bao lâu?
* Ông VITIT LIM: Đối với cá nhân tôi cũng như với NXB McGraw-Hill mà tôi làm đại diện thì năm 1993 gắn liền với nhiều kỷ niệm tại Việt Nam. Đó là năm lần đầu tiên chúng tôi đưa sách vào đất nước các bạn. Vào thời điểm đó, để tạo ấn tượng, chúng tôi đã dồn gần như toàn bộ những đầu sách chủ lực của mình, đặc biệt là các loại sách nghiên cứu, tham khảo dành cho các trường đại học.
* Được biết, NXB McGraw-Hill đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, ông có thể cho biết vai trò của văn phòng đại diện chính thức có ảnh hưởng gì đến hoạt động của NXB nước ngoài tại Việt Nam?
* Thực ra, văn phòng đại diện không chỉ đơn thuần bán sách mà còn hỗ trợ NXB cung cấp những giải pháp dạy và học theo tiêu chuẩn quốc tế. Bạn cứ hình dung một thầy giáo nước ngoài đến dạy ở Việt Nam. Họ sẽ dùng sách giáo khoa gì? Dĩ nhiên, lựa chọn đầu tiên vẫn là những cuốn sách dạy học theo tiêu chuẩn quốc tế mà chúng tôi luôn có sẵn, hay thậm chí cả những giáo viên Việt Nam dạy chương trình quốc tế cũng vậy, lựa chọn của họ vẫn là những cuốn sách giáo khoa quốc tế.
Nhưng sách không thôi chưa đủ, để dạy tốt họ còn cần một giáo án. Tuy nhiên, không dễ soạn giáo án từ những cuốn sách giáo khoa quốc tế vốn đa dạng. Và đó chính là điều mà văn phòng đại diện của chúng tôi cung cấp, những giáo án giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế, những bài thi kiểm tra cùng tiêu chuẩn. Nghĩa là chúng tôi cung cấp cho bạn đọc cả một giải pháp trọn gói, sách để dạy và học, giáo án để giảng và cả đề thi để kiểm tra. Lúc này văn phòng đại diện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kèm theo sách các loại giáo án, đề thi phù hợp… Trong tương lai, văn phòng đại diện tại Việt Nam sẽ còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Và đó cũng là điều mà ngành xuất bản, phát hành của các bạn còn thiếu. Các bạn chỉ tập trung bán sách. Trong khi trên thực tế, việc cung cấp những giá trị mở rộng xung quanh cuốn sách mà ta bán mới là biện pháp cốt tử mang lại thành công cho cuốn sách.
* 15 năm gắn bó với thị trường sách Việt Nam, ông có nhận xét gì về thị trường sách trước kia và bây giờ?
* Trước kia, thị trường sách của các bạn khá phức tạp, sách có bản quyền bị in lậu rất nhiều. Mọi chuyện đã thay đổi từ sau khi Việt Nam chính thức áp dụng công ước Berne. Bây giờ, mọi việc đang ngày càng trở nên quy củ, tình trạng in lậu, in nối bản cũng đã giảm bớt. Tuy nhiên, giảm nhưng không có nghĩa là hết. Vừa rồi, khi tiến hành thương lượng bản quyền với một NXB Việt Nam, chúng tôi đã phải bỏ bớt một số đầu sách do những tựa này đang bị in lậu khá nhiều ngoài thị trường. Sách in lậu giấy xấu, chất lượng in ấn, dịch thuật rất kém. Nhưng cũng cần ghi nhận là thị trường sách giáo khoa quốc tế của các bạn đang đầy hấp dẫn.
* Ông có thể nói rõ hơn sự hấp dẫn của thị trường sách giáo khoa quốc tế được không?
* Các bạn có một lượng sinh viên đại học rất đông nhưng mức chi tiêu cho sách giáo khoa quốc tế của các bạn lại rất ít nếu so với các quốc gia lân cận khác như Thái Lan hay Hàn Quốc. Lý do là sinh viên, học sinh chưa có thói quen mua sách tham khảo, nghiên cứu, giảng dạy theo tiêu chuẩn thế giới. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi, nhu cầu cập nhật thông tin, tiếp thu các tri thức mới nhất của thế giới đang ngày càng tăng. Không phải ngẫu nhiên mà các NXB quốc tế vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào loại sách tham khảo, nghiên cứu dành cho sinh viên học sinh. Tất cả đều nhìn thấy một thị trường hấp dẫn cho loại sách này. Và với việc sách quốc tế ngày càng nhiều sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu bước vào sân chơi toàn cầu hóa ở Việt Nam.
* Cảm ơn ông.
TÂN TƯỜNG