Theo Bộ Công thương, sau 3 năm thực thi, nhiều loại hàng hóa của Việt Nam đã và đang gia tăng xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Mỹ nhờ có CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực, trong khi các năm đầu thực thi CPTPP, cán cân thương mại 2 chiều khá cân bằng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, CPTPP không phải là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam, nhưng lại là hiệp định thương mại đầu tiên “tấn công tổng lực” vào thị trường châu Mỹ. Trước đó, chúng ta đã có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile nhưng là hiệp định truyền thống và ở quy mô nhỏ.
“Với CPTPP, lần đầu tiên chúng ta cùng lúc tiếp cận hai thị trường ở Nam Mỹ là Peru và Chile, cùng với hai thị trường ở Bắc Mỹ là Canada và Mexico. Chính điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiếp cận thị trường mới, nhiều tiềm năng và tất nhiên cũng có thử thách”, bà Trang chia sẻ.
Theo đánh giá, trong 3 năm, so sánh với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP thì Việt Nam là nước thành viên đã tranh thủ được khá tốt thị trường CPTP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.
Bà Trang cho biết: “Đối với các nước khác, thị phần đều giảm, hoặc đi ngang. Kể cả Nhật Bản trước đó là nước quen thuộc với thị trường châu Mỹ thì thị phần của họ đi ngang, còn chúng ta thì lại tăng lên”.
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương) cũng khẳng định trước khi CPTPP có hiệu lực vào năm 2019 thì lượng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường này còn khá hạn chế nhưng đã có sự gia tăng đột biến sau khi CPTPP có hiệu lực.
“Khu vực thị trường châu Mỹ có 4 nước tham gia CPTPP cùng Việt Nam là Canada, Mexico, Peru và Chile. Chúng tôi đánh giá, những lợi thế về ưu đãi thuế quan trong CPTPP sẽ đem lại dư địa và tiềm năng rất tốt để doanh nghiệp Việt có thể khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới này”, bà Hồng Anh đánh giá.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sang thị trường này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ cho biết, nổi lên vẫn là nhóm điện thoại và linh kiện chiếm khoảng 20%, nhóm điện tử và máy vi tính chiếm khoảng 16%; máy móc, phụ tùng chiếm khoảng 9% và không thể không nhắc tới nhóm hàng dệt may, da dày.
Dệt may và da giày là hai nhóm hàng mà thông qua Hiệp định CPTP, chúng ta có lợi thế về thuế quan tới 10 - 20% so với các cái đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác. “Ví dụ với Canada, họ cam kết sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, đưa về 0% sau ba năm hiệp định có hiệu lực đối với ngành hàng dệt may. Nhờ vậy, trong 9 tháng năm 2022, mặt hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Canada tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021”, bà Hồng Anh thông tin.
Tương tự, hầu hết mặt hàng thủy sản của Việt Nam cũng được cam kết đưa thuế trở về 0%. Chúng ta đang là nhà xuất khẩu tôm và cá ba sa lớn nhất tại Canada. Trong đó, cá ba sa chiếm tới 80 - 90% thị phần tại Canada. Mặt hàng cá tra tại Mexico, 8 tháng vừa qua cũng tăng trưởng xuất khẩu trên 70%. Hiện tại, Mexico đang là một trong ba nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Chúng ta cũng đang xuất khẩu khối lượng lớn các mặt hàng như túi xách, ô dù, vali, nông sản chế biến như chè, cà phê, hạt tiêu, điều và cũng đang dần chiếm lĩnh các thị trường CPTPP ở khu vực châu Mỹ.
Bà Võ Hồng Anh cũng cho rằng, CPTPP không chỉ giúp chúng ta mở rộng những thị trường mới cho hàng xuất khẩu, mà còn giúp tận dụng lợi thế để các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn hàng nhập về hơn, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trước đây.
Do châu Mỹ là một thị trường rất xa xôi, nên hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan cũng như các đối tác ở nước sở tại để hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa phương phương thức vận chuyển”, bà Hồng Anh cho biết.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã trải qua những thời điểm mà chuỗi vận chuyển logistics bị đứt gẫy. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tìm ra các giải pháp, tìm hiểu các tuyến vận tải mới trực tiếp, tăng khả năng kết nối cho doanh nghiệp tại khu vực này.
Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp về hệ thống thông tin, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vướng mắc phát sinh, xử lý rủi ro về rào cản thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại mà hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải.