Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ

Ngày 17-11, Bộ Công thương phối hợp Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ tổ chức Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thường niên năm 2022, với chủ đề “Thay đổi - Thách thức - Thích ứng”. 
Máy và thiết bị điện tử của Việt Nam tăng hơn 51% xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ Ảnh: HOÀNG HÙNG
Máy và thiết bị điện tử của Việt Nam tăng hơn 51% xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ Ảnh: HOÀNG HÙNG

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các UBND tỉnh, thành phố, sở công thương, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư, các Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong cả nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều tăng 30%

Tại diễn đàn, nhiều đối tác Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ. Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, lý giải, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 107,4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2021 và chiếm tỷ trọng 2,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ.

6 nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh tại thị trường Hoa Kỳ. Dẫn đầu là nhóm sắt và thép, có tốc độ tăng trưởng lên đến 154,6%. Ở góc độ đầu tư, hiện có 1.203 dự án của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 11,5 tỷ USD, đứng ở vị trí 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Riêng trong 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 8, với tổng số vốn đăng ký khoảng 702 triệu USD cho 72 dự án cấp mới.

Bà Pamela Phan, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, phụ trách khu vực châu Á, nhấn mạnh, cả khu vực công và tư của Hoa Kỳ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế số, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính...

Doanh nghiệp Việt vẫn bị “làm khó”

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng, dù Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn với nhau nhưng doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Phổ biến nhất là hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị áp biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Trương Huy Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 4, dẫn chứng: với mặt hàng cá da trơn, Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam trong 18 tháng phải hoàn thiện hệ thống pháp lý an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp và nông dân cũng phải có sự chuyển đổi sản xuất từ khâu con giống - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu để đáp ứng tiêu chuẩn mới. Trên thực tế, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân đã rất khó khăn để có thể “bắt nhịp” được yêu cầu này.

Tương tự, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, cho biết, có đến 60% tổng lượng xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Thế nhưng những quy định mới của Hoa Kỳ về nguồn gốc xuất xứ và loại gỗ không được nhập khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp bị “chựng” sản xuất.

Không chỉ vậy, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, cho hay, mối lo ngại nhất của doanh nghiệp Việt Nam là phải đối mặt ngày càng dày đặc các vụ điều tra và bị áp dụng biện pháp PVTM. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương đã tiếp nhận 10 vụ kiện PVTM đến từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp hai nước

Bà Susan Burns cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để có thể nhanh chóng “bắt nhịp” với các rào cản kỹ thuật, nhất là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm mà Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng cường áp dụng trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam cần chọn lọc trong thu hút đầu tư; tránh thu hút đầu tư những ngành, doanh nghiệp của các nước thứ 3 đã bị Hoa Kỳ đánh thuế PVTM để giảm nguy cơ Việt Nam sẽ thành nước bị áp dụng biện pháp PVTM tiếp theo.

Trường hợp các doanh nghiệp bị điều tra, cần phải theo đuổi hồ sơ pháp lý để tránh bị áp thuế PVTM. Riêng với thủ tục hành chính, cần có sự hợp tác giữa bộ, ngành khi ban hành quy định mới, tránh sự chồng chéo trong quy định giữa các bộ, ngành để không gây khó cho doanh nghiệp, kể cả trong quá trình đầu tư, hoạt động và xuất nhập khẩu.

Về phía Việt Nam, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, hai bên cần tăng cường xúc tiến, đối thoại, phối hợp giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề thương mại ưu tiên cho doanh nghiệp hai nước. Mặt khác, Hoa Kỳ cần sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, tránh tình trạng phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại trong các vụ việc điều tra PVTM và làm gia tăng tần suất các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ đối với hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, cần sớm thúc đẩy chiến lược kinh tế rộng lớn đầu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Về góc độ đầu tư, các bộ, ngành Việt Nam đã đưa ra 3 lĩnh vực khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư. Cụ thể: chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường.

Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ ảnh 1 Bộ Công thương Việt Nam và Chính quyền bang Oregon, Hoa Kỳ ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng

Cũng trong dịp này, Bộ Công thương Việt Nam và chính quyền bang Oregon, Hoa Kỳ đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng. Với việc ký kết bản ghi nhớ này, Bộ Công thương Việt Nam và bang Oregon đặt ra mục tiêu xác lập một khuôn khổ hợp tác toàn diện để thuận lợi hóa các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp và năng lượng; tăng cường chia sẻ thông tin về các cơ hội kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ các dự án cũng như hoạt động của các doanh nghiệp hai nước.

TPHCM mong muốn Hoa Kỳ đầu tư nhiều lĩnh vực

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, TPHCM đang chuyển dịch và phấn đấu thực hiện mô hình tăng trưởng “Phát triển nhanh và bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước”. Do đó, TPHCM đang triển khai nhiều đề án quan trọng với quyết tâm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để vươn lên, phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới.

Trong thời gian tới, TPHCM tập trung triển khai các đề án như: phát triển ngành logistics; xuất khẩu; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn; xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức) và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế,… Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư vào những lĩnh vực trên.

TPHCM mong muốn tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và đề xuất các cơ quan Hoa Kỳ xem xét, hỗ trợ thành phố nghiên cứu tiền khả thi việc thành lập Trung tâm chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu; và hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn, nhân sự để TPHCM và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy tối đa nguồn lực về nông nghiệp, cung cấp những sản phẩm nông sản đa dạng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.


Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng mạnh

Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng dương liên tục trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng 5,7% so với năm 2017; năm 2019 tăng 35,3% so với năm 2018; năm 2020 tăng 19,8% so với năm 2019; năm 2021 tăng 28% so với năm 2020.

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 98,6 tỷ USD, chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2021.

Tin cùng chuyên mục