Ngày 19-4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Văn phòng đại diện Universales Almacenes S.A (Cuba) tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào đặc khu phát triển Mariel (ZED Mariel).
Hội thảo nhằm đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch và y tế giữa TPHCM và các địa phương của Cuba, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hoạt động giao thương, nắm bắt cơ hội từ các thay đổi về chính sách và lợi ích của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba được ký kết vào ngày 9-11-2018.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Cuba rất đáng trân trọng, không ngừng phát triển. Về thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại châu Á đứng thứ 2 tại Cuba. Năm 2020, quan hệ thương mại hai nước đạt 102 triệu USD. Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Cuba chính thức có hiệu lực đầu năm 2020 góp phần thúc đẩy trao đổi giao thương, bảo đảm sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án đầu tư tại Cuba. Hai nước hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dầu khí, viễn thông, giáo dục, y tế…
Về đầu tư, hiện Cuba và Việt Nam đều có dự án đầu tư lẫn nhau. Cụ thể, Cuba có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn hơn 7 triệu USD, đứng thứ 81/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng có 4 dự án đang hoạt động tại Cuba với hơn 44 triệu USD về quy mô vốn. Hai dự án tiêu biểu của Việt Nam tại Cuba là nhà máy gạch lát sàn SAVIG do Tổng Công ty Viglacera liên doanh với Công ty Prodimat của Cuba và Tập đoàn Thái Bình chuyên về thương mại, là cầu nối giao thương giữa Việt Nam và Cuba.
“Chính quyền TPHCM mong muốn thông qua hội thảo lần này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm thấy nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa vào Cuba, người bạn truyền thống, luôn kề vai sát cánh nhân dân Việt Nam" bà Cao Thị Phi Vân nhấn mạnh.
Bà Ariadne Feo Labrada, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Cuba tại TPHCM cho biết, Đặc khu phát triển Mariel (ZED Mariel) có vị trí địa lý đặc biệt, ở trung tâm của biển Caribe, là ngã tư của các tuyến đường giao thông hàng hải chính ở Tây bán cầu.
“Thúc đẩy việc hình thành Đặc khu phát triển Mariel cho phép tăng trưởng xuất khẩu, thay thế nhập khẩu hiệu quả, các dự án công nghệ cao, phát triển của địa phương và góp phần bằng nguồn lao động mới”, bà Yanet Vazquez Valdes, Phó Giám đốc Văn phòng Đặc khu phát triển Mariel cho hay.
Đặc biệt, trong đặc khu, thuế suất ưu đãi 0% được áp dụng đối với hồi vốn về nước; thuế sử dụng lực lượng lao động; đóng góp vào phát triển địa phương; nhập khẩu trong giai đoạn đầu tư; thuế đối với hoạt động bán buôn hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, mức thuế suất 0% còn được áp dụng trên lợi nhuận trong vòng 10 năm, sau đó áp dụng mức 12%. Các ưu đãi khác bao gồm: Hệ thống một cửa xử lý tất cả các giấy chứng nhận, giấy phép và ủy quyền; đội ngũ chuyên gia tư vấn và hỗ trợ cho các nhà đầu tư; giao các lô đất với 7 cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao do Nhà nước Cuba tài trợ; sơ đồ hoạt động tài chính bằng tiền tệ có thể chuyển đổi tự do; ưu đãi đối với sản xuất năng lượng mặt trời từ mái nhà của các cơ sở công nghiệp. Khi đầu tư vào Đặc khu phát triển Mariel, nhà đầu tư được đảm bảo không thể bị chiếm đoạt, ngoại trừ lý do công ích hoặc yêu cầu xã hội; thời hạn ủy quyền có thể được gia hạn bởi chính cơ quan cấp; bảo vệ các nhà đầu tư chống lại các kiện cáo của bên thứ ba, theo luật Cuba và theo tòa án quốc gia; miễn phí chuyển cổ tức ra nước ngoài, lợi nhuận hoặc thu nhập khác liên quan đến việc đầu tư mà không phải trả thuế. Người nước ngoài không phải là thường trú tại Cuba có thể chuyển ra nước ngoài các tài sản mà họ nhận được theo các quy định của Hệ thống Ngân hàng Quốc gia.