Sáng 8-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Liên quan đến dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, trao đổi ý kiến với các đại biểu Quốc hội (ĐB) khi thảo luận tại tổ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước về Quyền Trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia tại ASEAN chưa có Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Việt Nam có khoảng 10 đạo luật khác nhau đề cập đến đối tượng người chưa thành niên. Cách tiếp cận này có ở nhiều quốc gia, nhưng người ta nhận thấy việc lấy hình phạt cho người lớn, quy trình tố tụng cho người lớn điều chỉnh một chút áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả. Chánh án TAND Tối cao cho rằng, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế khuyến nghị phải có đạo luật riêng cho người chưa thành niên.
“Điều một số cơ quan băn khoăn, chúng ta nhân văn quá với các cháu thì có phải thả tội phạm ra đường không?”, Chánh án TAND Tối cao đặt vấn đề trước các ý kiến của ĐB.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, nhiều nước nghiên cứu, nếu các cháu phạm tội cho vào trại luôn chỉ làm các cháu chai sạn với nhà tù, dễ tái phạm. Nhiều nước áp dụng biện pháp chuyển hướng, đưa các cháu khỏi nhà tù, tỷ lệ phạm tội giảm khoảng 80%. Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên hợp quốc.
“Xử lý các cháu cần tới 10 đạo luật thì rất khó khăn cho các cơ quan tư pháp, rất cần tích hợp vào một đạo luật riêng để xử lý, vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”, Chánh án TAND Tối cao nhận định.
Cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên tại tổ TPHCM, ĐB Lê Thanh Phong (TPHCM) tán thành loại ý kiến thứ nhất trong tờ trình về việc cần rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có người chưa thành niên phạm tội không quá 1/2 thời hạn vụ án với người lớn phạm tội, trừ vụ án có tính chất phức tạp.
Tuy nhiên, ĐB đề nghị cân nhắc rút ngắn hơn nữa thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam người chưa thành niên. Việc này phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em, hạn chế những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Do hiện nay, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam quá dài.
Về tách vụ án hình sự, ĐB Lê Thanh Phong tán thành loại ý kiến thứ nhất trong tờ trình phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Theo ĐB, việc tách vụ án hình sự nhằm rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên. Việc này nhằm rút ngắn thời gian xét xử, cũng như giúp thẩm phán xét xử vụ án người chưa thành niên phạm tội được thuận lợi, thân thiện hơn.
ĐB cũng đề nghị quy định rõ chế độ, chính sách mà người làm công tác xã hội được hưởng khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Đồng thời bổ sung quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ hướng dẫn chế độ, chính sách với người làm công tác xã hội khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng, hiện nay hệ thống quy định pháp luật cho đối tượng này còn nằm ở nhiều luật, điều này dẫn đến một số khó khăn, tồn tại như hình phạt chưa phù hợp, một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao, thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện... Từ đó, ĐB nhất trí cần có một đạo luật riêng cho đối tượng người chưa thành niên.
ĐB không đồng tình và đề nghị cân nhắc quy định việc giao thêm nhiệm vụ cho cán bộ tư pháp, hộ tịch là người trực tiếp giám sát đối tượng người chưa thành niên khi áp dụng các biện pháp chuyển hướng xử lý như dự thảo luật. Bởi vì, hiện nay theo quy định, khối lượng công việc của công chức tư pháp, hộ tịch là rất lớn.