Ngày 22-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam.
Chủ trì hội thảo, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng Covid-19 trong nước là hết sức quan trọng. Việt Nam đã có Hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do đó nếu thành công vaccine Covid-19 trong nước có thể xuất khẩu góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, việc sản xuất vaccine Covid-19 sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vaccine, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.
GS-TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nhưng cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch Covid- 19. Giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vaccine phòng Covid-19. Hiện nay, Việt Nam đang có 4 đơn vị (VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN) đều đang trong quá trình nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19. Việt Nam cũng là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine theo tiêu chuẩn của WHO, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vaccine với các nước.
“Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vaccine. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vaccine Covid-19 cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới nhanh nhất”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.
Về tình hình phát triển vaccine Covid-19 trên thế giới, đại diện Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận vaccine cho biết, thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh Covid-19. Các nhà sản xuất, các cơ quan nghiên cứu cũng như các quốc gia hiện đang chạy đua trong việc nghiên cứu phát triển thuốc điều trị, vaccine phòng bệnh cũng như sinh phẩm chẩn đoán giúp việc phát hiện sớm, điều trị, và phòng bệnh tiến tới khống chế dịch.
Tính đến ngày 15-7, trên toàn cầu có 163 ứng viên vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển, trong đó có 23 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng. Những nỗ lực toàn cầu trong phát triển vaccine Covid-19 để khống chế đại dịch như hiện nay là chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ phát triển vaccine.
Hầu hết các nhà quản lý quốc gia đều có những chính sách tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu phát triển vaccine. Các sáng kiến về tiếp cận công bằng vaccine do WHO khởi tạo cũng được đưa ra rất sớm khi các nhà nghiên cứu và sản xuất đang gấp rút phát triển vaccine.