Một mốc son mới đã được thiết lập trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam.
Ông Marc Pecsteen de Buytswerve, Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại LHQ (Bỉ là Ủy viên không thường trực HĐBA, đồng thời cũng sẽ là Chủ tịch HĐBA tháng 2-2020) chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tháng Chủ tịch HĐBA. Ông Buytswerve cho biết: “Thật khó khi bắt đầu nhiệm kỳ mà phải đảm nhận vị trí Chủ tịch ngay như vậy, sẽ có rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm rất tốt và đã thực sự tạo được dấu ấn với Phiên thảo luận mở về 75 năm Hiến chương LHQ, nhất là trong bối cảnh cả LHQ cũng như thế giới có rất nhiều căng thẳng như hiện nay”.
Theo TTXVN, phiên thảo luận mở do Việt Nam chủ trì và đề xuất được các nước tham gia với số lượng cao kỷ lục (110 nước). Chủ đề mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ nhận được sự quan tâm lớn vì đưa ra đúng thời điểm, trong bối cảnh các nước thành viên LHQ đều bộc lộ quan điểm rằng Hiến chương LHQ phải được tuyệt đối tôn trọng và thực thi, nhất là đối với các ủy viên HĐBA. Trên thực tế, do quan điểm chính trị có nhiều khác biệt nên cách hiểu và vận dụng Hiến chương LHQ của nhiều nước trong HĐBA cũng khác nhau và đây chính là mấu chốt dẫn đến sự chia rẽ, bất đồng của các ủy viên thường trực, đặc biệt giữa một bên là Mỹ, bên kia là Nga và Trung Quốc. Sự chia rẽ này đã khiến HĐBA nhiều lần không thể có được giải pháp nhanh và hiệu quả khi khủng hoảng xảy ra.
Những dấu ấn
Dưới sự chủ trì, điều phối của Việt Nam, tối 10-1, HĐBA sau khi họp kín khá căng thẳng đã thông qua nghị quyết 2504 gia hạn cơ chế cung cấp hàng viện trợ nhân đạo qua biên giới Syria. Nghị quyết 2504 được thông qua với 11 phiếu thuận và 4 phiếu trắng (của các ủy viên thường trực Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc), đã tạo điều kiện thuận lợi để công tác cứu trợ cho người dân Syria sống tại các khu vực không do chính quyền Damascus kiểm soát được tiếp tục trong thời gian tới.
Đây cũng là một thành công về hợp tác ngoại giao đáng ghi nhận của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi trước đó, HĐBA đã không thể gia hạn cơ chế này do sự bất đồng ý kiến sâu sắc của các nước ủy viên. Hồi cuối tháng 12-2019, HĐBA đã họp bỏ phiếu 2 lần vấn đề này nhưng cả 2 dự thảo đều không được thông qua, do một số quan ngại rằng hàng viện trợ sẽ rơi vào tay khủng bố và làm tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Syria thêm phức tạp. Tuy nhiên, việc phải đảm bảo viện trợ liên tục và thông suốt cho Syria, nơi đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với gần 12 triệu người dân sống phụ thuộc vào hàng cứu trợ, cũng đang hết sức cấp thiết.
Những kinh nghiệm của Việt Nam về hòa giải dân tộc, giải quyết xung đột và khắc phục hậu quả chiến tranh đã được lắng nghe và đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm giải pháp cho nhiều khu vực ở Trung Đông và châu Phi, như: cuộc xung đột ở Yemen, bạo lực gia tăng giữa Israel và Palestine, cuộc chiến Libya và tình trạng hỗn loạn ở Mali cũng như nhiều nước châu Phi nói chung. Với vấn đề Yemen, những tháng gần đây, HĐBA khá đồng thuận trong việc nhìn nhận sự cần thiết là các bên liên quan phải tái khởi động tiến trình chính trị và nỗ lực thực thi Thỏa thuận Stockholm. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, HĐBA ngày 13-1 đã thông qua Nghị quyết 2505, gia hạn hoạt động của Phái bộ LHQ hỗ trợ thực thi thỏa thuận Hodeidah tại Yemen (UNMHA) đến ngày 15-7-2020, với kết quả bỏ phiếu nhất trí của tất cả 15 nước ủy viên.
Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cũng đã đề xuất và vận động để đưa vấn đề hợp tác LHQ - ASEAN lên bàn nghị sự của HĐBA vào ngày 30-1, đáp ứng mối quan tâm chung của các nước ASEAN hiện nay. Đây là lần đầu tiên HĐBA có một phiên họp riêng về hợp tác với ASEAN, góp phần nâng cao vai trò, hình ảnh của các nước Đông Nam Á ở một diễn đàn lớn như LHQ…
Hiệu quả hoạt động trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021, trên cương vị Chủ tịch HĐBA, không chỉ ghi thêm một dấu ấn thành công của ngành ngoại giao Việt Nam, mà còn tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục có những đóng góp chủ động, phát huy hơn nữa vai trò “đối tác tin cậy vì hòa bình”, khẳng định uy tín và vị thế của mình trên trường quốc tế.