Chia sẻ tại cuộc gặp mặt báo chí do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 16-6 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, đến nay tất cả các loại vaccine ngừa những loại dịch bệnh nguy hiểm nhất trên đàn vật nuôi (như tai xanh, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi…) thì Việt Nam đều đã nghiên cứu, sản xuất thành công.
“Ví dụ vaccine ngừa cúm gia cầm, đến nay 80% vaccine sử dụng được sản xuất trong nước”, ông Long nói. Với vaccine ngừa dịch tả heo châu Phi mà Việt Nam đã nghiên cứu và cho lưu hành thương mại, vừa rồi đoàn công tác của Hoa Kỳ sang Việt Nam cũng đánh giá rất tốt.
“Philippines cũng đã đánh giá và đề nghị cho sử dụng vaccine này tại Philippines”, ông Long nói thêm. Theo Cục trưởng Cục Thú y, đối với Cộng hòa Dominica (Nam Mỹ), vừa qua Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã cử đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đưa vaccine sang giúp nước này ứng phó với dịch tả heo châu Phi.
Về chuyến đi Dominica, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đây là tin vui vì đoàn công tác đã có những kết quả ban đầu rất tốt. Truyền hình Philippines cũng đưa thông tin đã sử dụng vaccine của Việt Nam tại 6 trại heo ở nước này và cho kết quả khả quan. “Chúng ta sắp tới sẽ công nhận lưu hành thương mại cho gần 700.000 liều vaccine dịch tả heo châu Phi để xuất ngoại”. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đây là lợi thế để chúng ta thúc đẩy đàm phán trong trao đổi, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản hai chiều với các nước.
Hồi đầu năm 2023, với mong muốn vực dậy ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả heo châu Phi, đoàn công tác cấp cao của Cộng hòa Dominica đã đến Việt Nam, có buổi làm việc với Bộ NN-PTNT Việt Nam để tìm hiểu kinh nghiệm kiểm soát dịch và đặt vấn đề nhập khẩu vaccine của Việt Nam.
Bộ NN-PTNT Việt Nam cho biết, sau quá trình nghiên cứu với sự phối hợp của Hoa Kỳ, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine dịch tả heo châu Phi. Qua quá trình khảo nghiệm, kiểm định chặt chẽ, tỉ lệ đáp ứng miễn dịch 93,33% và độ dài miễn dịch đạt 5-6 tháng. Bộ NN-PTNT sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác giữa hai nước, đảm bảo lợi ích chung.