Đây là thông tin chấn động nhưng rất đáng vui mừng, được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết tại buổi họp báo ngày 16-3.
Sự hồi sinh kỳ diệu
Hơn 2 tuần sau khi được ghép phổi từ người cho chết não, không ai có thể ngờ rằng bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ở Nam Định) lại có thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng tới vậy. Mặc dù vẫn phải nằm ở phòng hồi sức tích cực với chế độ chăm sóc đặc biệt, theo dõi nghiêm ngặt nhưng bệnh nhân Hanh đã hoàn toàn tỉnh táo, vận động, đi lại khá tốt và đặc biệt là bệnh nhân đã không cần tới sự hỗ trợ của ôxy và máy thở.
Qua cầu truyền hình trực tiếp từ phòng hồi sức tích cực tới phòng họp báo, ông Hanh vui vẻ giơ tay chào mọi người và trả lời không ít câu hỏi của phóng viên về sức khỏe của bản thân và cũng không quên gửi lời cảm ơn tới các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) và người thân trong gia đình.
“Sức khỏe của tôi bây giờ ổn định hơn nhiều so với trước khi ghép phổi. Buổi tối tôi đã ngủ được tốt hơn, ăn uống cũng ngon hơn trước. Một thời gian nữa, tôi sẽ khỏe mạnh như mọi người. Xin cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực hết mình cứu chữa cho tôi được khỏi bệnh…”, bệnh nhân Hanh bày tỏ.
Cùng lúc đó, từ phòng họp báo, chị Trần Thị Huê (vợ của ông Hanh) cùng con trai không giấu nổi sự xúc động và vui mừng khi được chứng kiến sức khỏe của ông Hanh đang tốt lên từng ngày, như được hồi sinh thêm lần nữa.
Anh Mạnh (con trai của ông Hanh) cho biết, trước khi được ghép phổi, bố anh bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối nên thường xuyên phải cấp cứu, thở máy, thở ôxy liên tục, tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Vì thế, ông Hanh đăng ký xin được ghép phổi với mong muốn có thể được khỏi bệnh để có cuộc sống tốt hơn.
“Lúc bố tôi đăng ký ghép phổi, gia đình đã rất lo lắng vì không hiểu ghép phổi là gì, nếu ghép thì sẽ sống được bao lâu, không được ghép thì tính mạng ra sao... Thế nhưng, sau ca ghép nhìn thấy bố tôi tươi tỉnh, hồi phục sức khỏe thế này thì gia đình thực sự cảm thấy rất yên tâm và vui mừng...”, anh Mạnh chia sẻ.
Chủ trì họp báo, GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108, tổng chỉ huy ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não cho biết, người cho phổi để ghép cho ông Hanh là một bệnh nhân nam (45 tuổi) bị chết não đã đồng ý hiến tạng của mình cho y học. Đặc biệt hơn, với nguồn nội tạng của bệnh nhân nam này hiến tặng, Bệnh viện 108 không chỉ thực hiện thành công ca ghép cả 2 lá phổi cho ông Hanh mà Bệnh viện 108 đã phối hợp với một số bệnh viện khác thực hiện được 5 ca ghép tạng cho bệnh nhân gồm: ghép thận, giác mạc và tim.
Cung cấp thông tin chuyên sâu hơn về ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não, GS-TS Mai Hồng Bàng cho biết, ngay khi nhận được thông tin về một bệnh nhân chết não hiến tạng, Bệnh viện 108 đã nhanh chóng triển khai đồng bộ tất cả công việc cần thiết để sớm thực hiện được ca ghép phổi, cùng các ca ghép đa tạng khác.
Đúng 10 giờ sáng 26-2, với sự hỗ trợ của 2 chuyên gia nước ngoài, ê kíp ghép tạng hơn 20 chuyên gia, y, bác sĩ trong nhiều lĩnh vực và gần 60 cán bộ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên đã thực hiện mổ lấy phổi của người chết não hiến tặng và ghép cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh. Trải qua 8 giờ căng thẳng, ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não cho bệnh nhân Hanh đã thực hiện thành công.
Trong khi đó, TS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, thành viên chính trong ê kíp ghép phổi chia sẻ, hiện nay ghép phổi vẫn là thách thức lớn nhất với y học vì đây là kỹ thuật ghép tạng rất phức tạp. Hơn nữa, phổi là cơ quan hô hấp cung cấp ôxy cho cơ thể nên mọi sự thay đổi, vi trùng, vi khuẩn đều dễ ảnh hưởng tới phổi nên khả năng nhiễm trùng rất cao.
Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho còn sống đã rất khó khăn thì ghép phổi từ người cho chết não phức tạp, khó khăn hơn nhiều. Bởi lẽ, đây là trạng thái ghép cấp cứu, không có nhiều sự chuẩn bị trước, đòi hỏi sự khẩn trương, nhanh chóng. Bắt buộc bệnh viện phải đảm bảo tuyệt đối từ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Tiếp đó, việc điều trị sau ghép, chống thải ghép, chống nhiễm khuẩn cũng đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa các khâu.
“Quá trình lấy phổi từ người đã chết não diễn ra trong tình huống cấp cứu, chứ không thể chủ động như khi lấy phổi từ người hiến còn sống hiến một phần của lá phổi. Kỹ thuật viên lấy tạng phải rất nhanh chóng và chính xác, cũng như nhanh chóng tìm được người nhận tạng phù hợp vì trong ghép tạng, nhất là ghép phổi, tim, thời gian càng nhanh, thành công càng cao”, TS Ngô Vi Hải chia sẻ.
GS-TS Mai Hồng Bàng cho biết thêm, để thực hiện được ca ghép phổi trên, trong suốt hơn 2 năm qua, Bệnh viện 108 đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn, cử 4 ê kíp ghép tạng sang Pháp để học tập, nghiên cứu chuyên môn, kỹ thuật về ghép phổi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác chuyển giao kỹ thuật ghép tạng với một số bệnh viện nổi tiếng ở Pháp và Bỉ.
“Việc thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não là cột mốc lịch sử, đánh dấu sự phát triển tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam nói chung và trình độ, chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 108 nói riêng...”, GS-TS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh.