Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng trong tương lai. Hiện nay, thế giới Hồi giáo có hơn 2 tỷ người sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối Asean |
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Không những thế, việc phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần phát triển đất nước và tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, mặc dù thị trường Halal rộng lớn, hứa hẹn tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực phẩm tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng thực tế xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp vào thị trường này mới chỉ là bước đầu khai phá. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Bình quân, mỗi năm Việt Nam có 50 doanh nghiệp - một con số khá thấp so với tiềm năng được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay…
Doanh nghiệp Việt Nam đang tư vấn các đối tác nước ngoài sản phẩm đạt chứng nhận Halal |
Do vậy, việc phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam được chính phủ, bộ ngành gấp rút thúc đẩy phát triển. Những cơ sở tiêu chuẩn chất lượng, đầu tư nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phát triển ngành này cũng được các bộ ngành triển khai.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal và xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trên cơ sở đó, về phía thành phố cũng đang chủ động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá Halal quốc tế, tăng cường các hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo.
Cụ thể, thành phố tập trung các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi… hình thành nhiều các tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal vốn ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.
Về lâu dài, thành phố sẽ hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tiếp cận những thông tin, tăng cơ hội liên kết vùng nói chung để phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal. Đồng thời, trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển sản phẩm theo quy trình chuẩn chất lượng Halal, cũng như khai thác tiềm năng hợp tác và phát triển lĩnh vực sản xuất thực phẩm; đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo.