Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng hoặc “liên lụy” bởi cuộc chiến này. Để rộng đường dư luận, ngày 12-7, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có thông tin rõ hơn về vấn đề này.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể còn ảnh hưởng tới cả người nông dân, các chủ trại chăn nuôi heo ở Việt Nam
Tăng cường quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa
Dự báo về sự tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm, nhiều đối tác thương mại như Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu với một số sản phẩm của Mỹ.
Tiếp theo đó, ngày 6-7-2018, Mỹ tiếp tục áp thuế nhập khẩu ở mức 25% với 818 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương kim ngạch khoảng 34 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc cũng tuyên bố áp dụng biện pháp tăng thuế tương ứng đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Trong thời gian tới, không loại trừ khả năng các biện pháp tương tự sẽ được áp dụng thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, “chiến tranh thương mại” không còn là nguy cơ nữa mà đã trở nên hiện hữu, là thực tế không chỉ các nước trực tiếp tham gia như Mỹ, Trung Quốc, EU, Canada... chịu ảnh hưởng mà còn có tác động không nhỏ đến các nước khác, dù có mong muốn hay không. Khẳng định Việt Nam cho đến nay vẫn chưa bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại này nhưng ông Trần Tuấn Anh cũng lo ngại rằng: “Do là nước đang tham gia tích cực vào việc hình thành và phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi việc chịu các tác động nhất định”.
Về vĩ mô, bất kỳ bất ổn nào trong thương mại quốc tế cũng sẽ dẫn đến các bất ổn của thị trường quốc tế, qua đó tạo các cú “sốc” với các nền kinh tế. Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều xáo trộn trên thị trường quốc tế như việc biến động của tỷ giá và thị trường chứng khoán ở nhiều nước, việc tăng giá của một số hàng hóa cơ bản như xăng, dầu… Các bất ổn này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Nếu để kéo dài thì có thể làm ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm và nhiều khía cạnh khác của kinh tế vĩ mô. Còn về sản xuất công nghiệp, các hàng rào thương mại được dựng lên sẽ tác động đến chuỗi sản xuất trong khu vực và trên thế giới.
“Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là khu vực được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất của chiến tranh thương mại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Các bất ổn về thương mại cũng gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, người sản xuất, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có hành động nhanh nhạy và quyết liệt hơn. Ông Trần Tuấn Anh quan ngại hàng hóa dư thừa của nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam hay rủi ro hàng nước ngoài đi qua đường Việt Nam để vào thị trường các nước khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, về tổng thể, tác động của chiến tranh thương mại đối với Việt Nam không mang tính trực tiếp như đối với một số đối tác khác. “Việt Nam mặc dù là nước có độ mở kinh tế lớn nhưng trong thời gian qua đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô hết sức thận trọng nên tôi tin tưởng về ngắn hạn có thể có một số diễn biến bất lợi nhưng về dài hạn thì chúng ta đủ sức chống chọi với các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cần có đánh giá tác động và lên “kịch bản” ứng phó
“Cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung Quốc đã đến hồi căng thẳng nhất, kèm theo những tranh chấp thương mại Mỹ - EU; Mỹ - Canada; Mỹ - Mexico; Mỹ - Nhật Bản... báo hiệu nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu. Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính Việt Nam, nếu những căng thẳng về chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài và leo thang giữa Mỹ và các nước sẽ khiến các hoạt động đầu tư, sản xuất bị trì hoãn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bị chậm lại. Nếu kinh tế thế giới suy thoái thì dòng vốn vào Việt Nam sẽ hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu hàng hóa, thiết bị, dịch vụ từ 2 nước này và thế giới bị giảm, tác động nhất định tới xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thứ nhất, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và xếp thứ 8 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam đang nhập siêu với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 19% thị phần. Mỹ hiện xếp thứ 9 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thứ hai, cuộc chiến thương mại sẽ tác động đến đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư ở 2 nước này sẽ điều chỉnh danh mục đầu tư. Thứ ba, tác động tới thị trường chứng khoán, khi chiến tranh thương mại xảy ra thì nhà đầu tư điều chỉnh danh mục, có hiện tượng rút vốn, thoái vốn, bán ròng.
Đề cập giải pháp cho các doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam vượt qua ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, TS Cấn Văn Lực cho rằng, ở góc độ tích cực, khi chiến tranh thương mại xảy ra, kinh tế Mỹ, Trung Quốc và thế giới tăng trưởng chậm lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ phải cân nhắc về lộ trình tăng lãi suất. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu vào hai thị trường lớn này cần có động thái theo dõi, bám sát. Chính phủ nên giao Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính có đánh giá tác động cụ thể với kinh tế Việt Nam, dòng tiền đầu tư vào Việt Nam và có tác động với tỷ giá lãi suất. “Cần có kịch bản ứng phó dự phòng”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.