Thành tựu to lớn
Bài viết cho biết, Đại hội XIII xây dựng lộ trình tương lai để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và phát triển quan hệ với các quốc gia và các tổ chức đa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực.
Về kinh tế, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2016-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra, dù quỹ đạo phát triển kinh tế tích cực bị gián đoạn do Covid-19. Năm 2020, nền kinh tế vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương và Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng GDP cao nhất.
Việt Nam được dự báo sẽ đạt trở lại tốc độ tăng trưởng 6,8%-7% vào năm 2021 và tốc độ này dự kiến sẽ được duy trì trong những năm tới. Mức tăng trưởng này cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này phản ánh thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Việt Nam đã có thể vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức trên con đường phát triển đến ngày nay.
Về ngoại giao, Việt Nam không chỉ chủ trì thành công nhiều hội nghị ASEAN mà còn đóng vai trò điều phối ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ).
Một thành tựu đáng chú ý khác là việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng trong vài năm qua và năm nay, Việt Nam cũng sẽ đặt mục tiêu đưa ra các vấn đề liên quan đến khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương khi nước này tiếp tục đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Như vậy, Việt Nam sẽ có thể đóng một vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu…
Điểm sáng đầu năm
Trang tin chuyên về chứng khoán boerse-online.de của Đức ngày 30-1 đăng bài viết đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, đồng thời cho rằng đã đến lúc các nhà đầu tư nên tìm tới Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, các công ty ngày càng chiếm thị phần, trong khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngày một tham gia mạnh mẽ hơn ở thị trường quốc gia Đông Nam Á này.
Bài báo cho rằng, thông tin cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Sự đa dạng hóa sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam hấp dẫn hơn, đồng thời cũng giảm được rủi ro.
Ngoài ra, rất có thể Việt Nam - vốn được Công ty Cung cấp chỉ số chứng khoán MSCI phân loại là thị trường cận biên - sẽ được thăng hạng thành thị trường mới nổi trong những năm tới. Đây là lý do các nhà đầu tư giờ đây nên tham gia khám phá Việt Nam.
Trong năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 6,8%, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu đạt tăng trưởng hàng năm trung bình 6% trong những năm tiếp theo.