Chiều nay 27-8, văn phòng Bộ Công thương thông tin cho báo giới về việc, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương (là cơ quan điều tra vụ việc này) đã gửi bảng câu hỏi điều tra cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng đường lỏng tinh chế từ tinh bột bắp của nước ngoài vào Việt Nam (mà cơ quan điều tra nắm được) để trả lời bảng câu hỏi điều tra.
“Thời hạn để trả lời bảng câu hỏi điều tra này là trước 17 giờ ngày 2-10-2020 (theo giờ Hà Nội)” – Bộ Công thương cho biết.
Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT, tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công thương đề nghị tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu của nước ngoài có liên quan tham gia, hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình điều tra”- Bộ Công thương thông báo và cho biết thêm: nội dung bảng trả lời sẽ là căn cứ để cơ quan điều tra xem xét, đưa ra kết luận điều tra của vụ việc này.
Trong trường hợp cơ quan điều tra không nhận được thông tin trả lời đúng hạn hoặc trong trường hợp thông tin cung cấp không chính xác, không đầy đủ theo yêu cầu thì cơ quan điều tra của Việt Nam sẽ sử dụng thông tin sẵn có để đưa ra kết luận theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) vào Việt Nam đã tăng liên tục trong thời gian qua, từ 82.000 tấn năm 2017 lên 150.000 tấn năm 2018 và tiếp tục tăng lên 190.0000 tấn năm 2019. Loại đường này nhập từ Trung Quốc có giá rất rẻ, mặc dù làm từ bắp nhưng chế hóa để tăng đột ngọt nên được sản xuất với chất lượng kém, vì vậy không chỉ phá giá, đe dọa ngành mía đường Việt Nam mà còn có thể nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. |