Việt Nam đề xuất các định hướng hợp tác của IPEF

Tại IPEF, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề xuất 3 định hướng lớn trong triển khai hợp tác thời gian tới.

Ngày 16-11 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, đã diễn ra cuộc gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự cuộc gặp.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Ảnh: TTXVN

Phát huy tối đa tiềm năng

Tại cuộc gặp, các nhà lãnh đạo đã ghi nhận những tiến triển tích cực trong thảo luận, đàm phán về hợp tác thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng. Hai quỹ tài chính mới sẽ được thành lập là Quỹ IPEF về khí hậu và Quỹ Tài chính xúc tác IPEF, với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu USD, nhằm hỗ trợ các dự án về chuyển đổi kinh tế sạch.

Theo TTXVN, phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, IPEF là nỗ lực chung nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thay đổi, cơ hội và thách thức đan xen. IPEF được kỳ vọng là mô hình liên kết, kết nối kinh tế năng động, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu. Chủ tịch nước ghi nhận các bộ trưởng đã thống nhất được tiền đề quan trọng cho hợp tác, trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bao trùm, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng pháp luật và thể chế chính trị của mỗi nước, đề cao tính linh hoạt và tự nguyện.

Nhằm bảo đảm hợp tác IPEF phát huy tối đa tiềm năng và thực sự hiệu quả, Chủ tịch nước đề xuất 3 định hướng lớn trong triển khai hợp tác thời gian tới. Thứ nhất, IPEF cần là cơ chế hợp tác mở, bao trùm, không phân biệt đối xử, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; hoan nghênh sự tham gia của các nước trong và ngoài khu vực; tương trợ, bổ sung các sáng kiến kết nối, liên kết kinh tế khu vực khác. Thứ hai, hợp tác cần đáp ứng nhu cầu phát triển, cân bằng lợi ích của các bên; tôn trọng và tính đến sự khác biệt, đặc thù riêng mỗi nước; chú trọng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực. Thứ ba, khuyến khích đầu tư mới vào xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại khu vực. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao và ủng hộ những đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Kết thúc cuộc gặp, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Lãnh đạo về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Ảnh: TTXVN

Ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên

Trưa cùng ngày, đã diễn ra Phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là hoạt động đầu tiên của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2023. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại, đưa ra những đề xuất thiết thực được các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao.

Là nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại phần thảo luận của phiên đối thoại, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu, đòi hỏi quyết tâm, trách nhiệm chính trị cũng như sự đoàn kết của tất cả các nền kinh tế. Chủ tịch nước chia sẻ quan điểm của Việt Nam coi ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên trong quyết sách phát triển quốc gia và cam kết mạnh mẽ về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ rừng và chuyển đổi năng lượng.

Nhân dịp tham dự APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau; Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah; Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim; Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị APEC và các đối tác đẩy mạnh chương trình hợp tác về năng lượng tái tạo và xanh hóa các ngành công nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái và phục hồi tài nguyên; an sinh xã hội và chuyển đổi công bằng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng kêu gọi các nước phát triển, các đối tác quốc tế tăng cường chia sẻ thành quả khoa học - công nghệ, đóng góp tài chính, khẩn trương đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống tài chính toàn cầu cần nâng cao khả năng cung cấp tài chính xanh và huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hoan nghênh những đề xuất thiết thực và ủng hộ nỗ lực của Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng.

Trước khi diễn ra phiên đối thoại, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhằm tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác và trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự phiên khai mạc Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC với các thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Đây là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC trao đổi thẳng thắn, thực chất và lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khu vực.

Tin cùng chuyên mục