Trong 2 ngày, hội thảo thu hút gần 200 các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu,… ở Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực.
Theo GS. Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021, mục tiêu quốc gia là hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đã được đề ra. Các báo cáo ước tính rằng Việt Nam cần tăng trưởng thu nhập quốc dân với tỷ lệ 5.4% mỗi năm cho đến năm 2045. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần phải tăng tốc hơn nữa trong tăng trưởng kinh tế, khi mà tỷ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân trung bình từ năm 1995 đến trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019 là 5.0% mỗi năm.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình từ 6-7% mỗi năm trong thập kỷ qua, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á. Các ngành xuất khẩu như dệt may, điện tử và nông sản... đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức về nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi sang các ngành công nghệ cao, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường phát sinh từ quá trình phát triển.
Hội thảo được chia thành 4 phiên làm việc và 1 diễn đàn, quy tụ 14 báo cáo chuyên đề là những góc nhìn sâu sắc về kinh tế của Việt Nam. TS Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam phản ánh quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời nêu bật những cải cách quan trọng kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới; phân tích những hoàn cảnh đang thay đổi mà Việt Nam hiện phải đối mặt và những thách thức mà đất nước cần vượt qua để tiến xa hơn.
Dẫn số liệu Việt Nam đã bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp năm 2008, theo GS. Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản), để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được tăng trưởng dài hạn, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cải thiện thị trường yếu tố sản xuất, nâng cao giáo dục và đào tạo, cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Còn ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, Việt Nam đã đặt trọng tâm mạnh mẽ vào đổi mới và chuyển đổi số. Sự phát triển của nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập, với mục tiêu cuối cùng là đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được nền kinh tế số, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức, bao gồm cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành các luật cơ bản để hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực am hiểu công nghệ số.