
Bước chân tới Ai Cập, không ai không ngỡ ngàng khi được chứng kiến một đất nước có một di sản lịch sử, văn hóa thể hiện qua những công trình đồ sộ và mới hiểu tại sao Ai Cập từng là cái nôi của một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại.

Du khách Việt Nam trên đất nước Ai Cập.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi khi tới Ai Cập là thủ đô Cairô. Ngay sau buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cairô chúng tôi tranh thủ tham quan quần thể kim tự tháp Giza - một công trình xuất hiện từ 5.000 năm trước gồm 3 kim tự tháp lớn nhất và tượng nhân sư Sphins. Tiếp theo, chúng tôi tham quan Bảo tàng Hy Lạp. Mặc dù đã trải qua hàng ngàn năm, song các hiện vật ở đây gần như giữ nguyên hình thù, màu sắc.
Ngày hôm sau, chúng tôi đến Alexandria - một thành phố xinh đẹp trên một dải đất bên bờ Địa Trung Hải để dự Hội chợ sách Quốc tế Ai Cập do Hội xuất bản và Thư viện quốc gia Alexandria Ai Cập tổ chức.
Thư viện Alexandria là một trong những thư viện cổ nhất, nổi tiếng nhất thời cổ đại, được xây dựng lại theo phong cách kiến trúc hiện đại trên nền thư viện cũ. Sau chương trình làm việc tại Hội chợ và thư viện chúng tôi tham quan cảng Qualt và vườn Montazh.
Từ Alexandria, chúng tôi tiếp tục hành trình tới Luxor. Tại đây chúng tôi thăm sông Nile, thung lũng các Vua và các Hoàng hậu; đền Karnak, đền Luxor và Bảo tàng Luxor. Mọi người đều nói, nếu không tới Luxor thì coi như chưa tới Ai Cập quả không sai bởi Luxor là thành phố cổ, nơi lưu giữ bao dấu tích, hiện vật của Ai Cập cổ đại.
Thực sự, Ai Cập cổ đại đã khiến chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi một di sản văn hóa thật vĩ đại mà không mấy nước có được, và từ đó dễ hiểu tại sao Đại kim tự tháp Giza lại được xếp vào một trong bảy kỳ quan thế giới. Những ai đã tới Ai Cập chắc chắn sẽ đồng cảm với những cảm xúc và tâm trạng của chúng tôi.
Song, điều chúng tôi muốn nói ở đây là người Ai Cập biết gì và nghĩ gì về Việt Nam?
Khi biết chúng tôi là người Việt Nam thì bất kỳ người dân Ai Cập nào đều ồ lên một cách thán phục: “Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam đuổi được Mỹ, Việt Nam đánh thắng Mỹ”. Những lúc đó mỗi chúng tôi trào dâng niềm cảm xúc mãnh liệt, tự hào mình là người Việt Nam.
Qua buổi làm việc với ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ai Cập, Avan Ibrahim, chúng tôi hiểu thêm, trong những năm Việt Nam đang diễn ra cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, nhân dân Ai Cập đã sáng tác những bài hát và tổ chức các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.
Cuộc chiến đấu chống Mỹ thắng lợi là một hình mẫu lý tưởng, bởi vậy, ông Thứ trưởng Văn hóa Ai Cập rất mong các sách lịch sử, văn hóa, văn học... của Việt Nam được chuyển sang ngôn ngữ Ả Rập để giúp nhân dân Ai Cập hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt thấy được giá trị của độc lập.
Để thực hiện điều đó, không phải chỉ riêng với Ai Cập mà còn với các nước khác trên thế giới, đòi hỏi chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong đó có trách nhiệm của những người làm văn hóa bởi chúng ta biết văn hóa là cầu nối, là con đường ngắn nhất để tất cả các nước trên thế giới hiểu nhau và đến với nhau.
HÀ THÀNH