Theo Tổ chức IQAir AirVisual, mạng lưới quan trắc chất lượng không khí của Việt Nam tăng gần gấp đôi, từ 54 trạm quan trắc trên 4 thành phố năm 2019 lên đến 90 trạm trên 24 thành phố năm 2020. Thành quả này có được là nhờ những nỗ lực quan trắc chất lượng không khí từ chính phủ và phi chính phủ.
Ô nhiễm không khí vẫn là mối đe dọa chính đối với sức khỏe tại Việt Nam nếu không có các biện pháp chính sách bổ sung, nồng độ PM2.5 tại các thành phố của Việt Nam có thể tăng khoảng 20-30% đến năm 2030. Nguyên nhân là do ở các vùng nông thôn, tác động từ việc đốt rơm rạ và các hoạt động sinh khối phục vụ sưởi ấm và nấu nướng vẫn chưa được giảm bớt. Quá trình đô thị hóa thần tốc và phát triển kinh tế cũng làm gia tăng PM2.5.
Năm 2019, Cần Thơ trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới BreatheLife toàn cầu và cam kết đạt được tiêu chuẩn về nồng độ PM2.5 và các chất gây ô nhiễm khác của WHO vào năm 2030. Với cam kết này, thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam đặt ra một tiền lệ về quản lý chất lượng không khí cho các thành phố khác của Việt Nam học tập và noi theo.