
Hai bên bày tỏ hài lòng trước những tiến triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác song phương thời gian vừa qua với điểm sáng là thành công của Halotel, dự án đầu tư của Tập đoàn Viettel tại Tanzania.
Tanzania cũng đang nổi lên là đối tác cung ứng hạt điều nguyên liệu hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi, với kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2025 đạt trên 240 triệu USD, vượt mức của cả năm 2024.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, chủ trương của Việt Nam coi Tanzania là đối tác ưu tiên tại châu Phi, đề nghị hai nước tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân; đề nghị phía Tanzania nghiên cứu sớm mở đại sứ quán tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh, phát huy nền tảng tin cậy chính trị, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên đa dạng hóa mặt hàng trao đổi để nâng cao kim ngạch thương mại giữa hai nước; đề nghị Chính phủ Tanzania tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho Tập đoàn Viettel cùng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ổn định và tham gia vào các dự án chuyển đổi số, chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến tại Tanzania.
Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị hai nước sớm hoàn tất đàm phán các hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Bộ trưởng Mahmoud Thabit Kombo nhấn mạnh, Tanzania sẵn sàng là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Phát triển miền nam châu Phi (SADC) và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Tanzania. Bộ trưởng cũng đề nghị Việt Nam nghiên cứu tăng cường nhập khẩu các hàng hóa mà Tanzania có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như bông, khoáng sản...