Thụy Sĩ hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, đứng thứ 22/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư FDI là 1,903 tỷ USD với 206 dự án. Giai đoạn từ 1991-2021, Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA khoảng 600 triệu USD hỗ trợ Việt Nam. Hai bên đã duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn ở các cấp kể cả trong bối cảnh đại dịch. Năm 2021, hai nước đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 - 2021), nhất là các chuyến thăm cấp cao. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hiệp quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thụy Sĩ để gia tăng hiểu biết và tin cậy chính trị, tạo động lực đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Thủ tướng đánh giá hợp tác kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương và còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển; đề nghị Hạ viện Thụy Sĩ thúc đẩy, ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sĩ Martin Candinas, chiều 30-6. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ mở rộng đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Đề nghị Thụy Sĩ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam về kỹ thuật, tiếp cận chuyên môn, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, hợp tác công nghiệp, cơ hội thương mại trong các lĩnh vực như năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp và ngành, chuyển đổi kỹ thuật số.
Cảm ơn Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA cho Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả "Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sĩ giai đoạn 2021-2024" (trị giá gần 76 triệu USD) với các ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tri thức, ứng phó với các thách thức mới về phát triển và biến đổi khí hậu. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, tăng học bổng và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sĩ.
Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas khẳng định Việt Nam có vai trò chiến lược trong quan hệ giữa Thụy Sĩ với khu vực Đông Nam Á; các doanh nghiệp Thụy Sĩ như Nestle đều cho biết hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại đây. Thụy Sĩ sẽ tiếp tục ưu tiên về hỗ trợ phát triển, thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực với Việt Nam. Thụy Sĩ quan tâm và mong muốn sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do EFTA - Việt Nam, kỳ vọng hai bên có thể ký kết trong năm 2024.
Chiều 30-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp ông Martin Candinas, Chủ tịch Hội đồng quốc gia (Chủ tịch Hạ viện) Liên bang Thụy Sĩ và đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ đang thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Thụy Sĩ ngày càng phát triển tốt đẹp; khẳng định, với chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Thụy Sĩ trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác song phương hai nước trên mọi lĩnh vực, nhất là chính trị, ngoại giao, chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Song song với đó là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư - một trọng tâm trong hợp tác hai nước. Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ. Với vai trò và vị thế của mình, hy vọng Thụy Sĩ sẽ thúc đẩy các thành viên khác sớm hoàn tất đàm phán, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hiệp hội Mậu dịch châu Âu (EFTA) để đẩy mạnh trụ cột hợp tác đầu tư - thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ tích cực hỗ trợ ODA, đem lại những hiệu quả tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; mong muốn hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác về giáo dục đại học cũng như xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Chủ tịch Hạ viện Liên bang Thụy Sĩ Martin Candinas |
Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas cho biết, các doanh nghiệp Thụy Sĩ mong muốn đầu tư và mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Về vấn đề EFTA, các bên liên quan đang tích cực hoàn tất các thỏa thuận để có thể sớm ký kết văn kiện này. Thụy Sĩ sẽ xúc tiến nhiều hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, nhất là đào tạo nghề. Với thế mạnh về tự động hóa, công nghiệp robot, Thụy Sĩ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong sản xuất công nghiệp. Chúc mừng Nhà nước và nhân dân Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas nhấn mạnh, Thụy Sĩ luôn coi Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong phát triển quan hệ hợp tác.
* Cũng trong chiều 30-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gilbert F. Houngbo, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Ảnh VIẾT CHUNG |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Giám đốc ILO tới Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này vào năm 1992. Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng những hỗ trợ mà ILO dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và xây dựng Bộ luật Lao động lần đầu tiên vào năm 1994, sửa đổi vào các năm 2012 và 2019.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có thị trường lao động tương đối lớn với 52,3 triệu lao động, chất lượng lao động ngày càng nâng cao; nền kinh tế cơ bản bảo đảm việc làm cho người lao động; hệ thống pháp luật về lao động và an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện, quản trị thị trường lao động ngày càng hiệu quả. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên còn có những hạn chế nhất định, Thủ tướng đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động; cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương để phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…
Ông Gilbert F. Houngbo cho biết, ILO nói riêng và Liên hiệp quốc nói chung lấy Việt Nam là mô hình của sự nỗ lực, phát triển để các nước tham khảo, học tập; mong muốn và tin tưởng Việt Nam tiếp tục phát triển để có thêm nguồn lực chi tiêu nhiều hơn cho an sinh xã hội.
Tổng Giám đốc ILO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tất cả các vấn đề liên quan tới lao động, việc làm; đề nghị Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến của ILO liên quan lao động, việc làm…