Việt Nam có thể lọt tốp 25 nền kinh tế thế giới vào năm 2038

Đây là nhận định của Trung tâm tư vấn CEBR (Anh), khi đánh giá rằng Việt Nam và Philippines là 2 nền kinh tế Đông Nam Á có năng lực nhảy vọt trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) trong giai đoạn từ nay đến năm 2038.

Theo CEBR, Việt Nam hiện ở vị trí 34 trên WELT. Năm 2024, Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ hạng 33 và sau đó sẽ tiếp tục lên nhanh, ở vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Đặc biệt, trong mục giới thiệu bảng xếp hạng vừa công bố, CEBR đánh giá Việt Nam và Philippines là minh họa nổi bật cho nhóm những quốc gia được mong chờ sẽ cải thiện thứ hạng nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, áp dụng cải cách nội bộ, tăng năng suất của lực lượng lao động, những điều có thể đạt được qua cách tích lũy hiệu quả vốn công và tư.

CEBR nhấn mạnh hai nước đều đã thể hiện sự tiến bộ đáng kể và được trông đợi sẽ leo thêm 10 và 13 bậc vào năm 2038, với “đầy cơ hội” lọt vào nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhận định của CEBR đề cập tỷ trọng nền kinh tế, chứ không đề cập đến thu nhập bình quân trong một nước, phân chia giàu nghèo hay các vấn đề khác.

Theo CEBR, Việt Nam đứng trước viễn cảnh 15 năm tiếp theo rất khả quan. Với ưu thế dân số có sẵn, nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Đài Sputnik lại đánh giá cao lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.

Theo đó, việc ra mắt các ứng dụng của riêng người Việt là tín hiệu tốt, cho thấy những nỗ lực của các đơn vị công nghệ trong nước, từ đó từng bước giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm quốc tế và nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Năm 2023, ChatGPT của Open AI đã làm rung chuyển thị trường công nghệ thế giới, mở ra cuộc đua chinh phục trí tuệ nhân tạo tạo sinh giữa các quốc gia và các công ty công nghệ lớn. Các nguồn dữ liệu tiếng Anh thường tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn nhất trên thế giới, nhưng mô hình không thực sự hiểu và phản ánh tốt văn hóa và ngữ cảnh của người Việt Nam, đưa ra những thông tin chưa chính xác.

Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các đơn vị nghiên cứu công nghệ AI tại Việt Nam. Thực tế đang chứng minh rằng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này với hàng loạt các sản phẩm AI tạo sinh ra đời. Gần đây, là sự ra mắt các mô hình như FPT Gen AI, PhởGPT, Zalo Ai hay ViGPT - ứng dụng tương tự ChatGPT của riêng người Việt.

Theo Sputnik, dù Việt Nam đang ở những bước đầu trên hành trình chinh phục AI tạo sinh nhưng việc ra mắt các ứng dụng riêng của người Việt là tín hiệu tốt, cho thấy những nỗ lực của các đơn vị công nghệ trong nước. Đài của Nga nhận định rằng điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam khi mới đây, Bộ TT-TT ban hành kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất một nền tảng công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiếng Việt.

LLM tiếng Việt sử dụng tri thức, dữ liệu đào tạo đã được sàng lọc của Việt Nam, với chi phí thấp cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam sử dụng để phát triển các ứng dụng mới.

Tin cùng chuyên mục