Tại đây, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại trong một vài tháng vừa qua; đạt 19,54 tỷ USD (tính đến ngày 20-8), bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) nhấn mạnh, trong khi dòng vốn đầu tư của thế giới dự báo năm 2020 có thể suy giảm 40% thì đây là kết quả khả quan. Các doanh nghiệp đang tái cơ cấu lại hoạt động đầu tư tại Trung Quốc, cộng thêm sự đứt gãy chuỗi cung ứng, nên quá trình chuyển dịch đầu tư có thể nhanh và sớm. Với sự hấp dẫn nội tại, Việt Nam có nhiều cơ hội đón dòng chuyển dịch này. Theo ông Hoàng, kể từ khi Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt thu hút FDI, Tổ công tác đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ. Qua quá trình làm việc, một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ: “Chúng ta phải nhìn một cách thực tế, cứ nói dịch chuyển nhưng điều quan trọng là mình muốn gì và đã đạt được gì? Cho đến nay đầu tư nước ngoài chúng ta nhận được phần lớn là từ các nước châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, gần đây là Trung Quốc. Rất ít vốn đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu. Tại sao lại như thế? Mình kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu đi kèm công nghệ cao đã có nhiều chưa? Vậy phải xem họ muốn gì để đáp ứng”.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng 1 luật có đến 3 nghị định, hàng chục thông tư ở các bộ, ban ngành hướng dẫn khác nhau. Việc chính sách ban hành ra đúng với “ông này” nhưng lại sai với “ông kia”. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Việt Nam nên có chế độ và chính sách “may đo” đối với từng nhà đầu tư, nghĩa là phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư trong từng trường hợp cụ thể.