Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển

Khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi kinh tế số, phát triển kinh tế mũi nhọn, hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh là những vấn đề được coi là trọng tâm trong phát triển kinh tế của Việt Nam không chỉ năm 2020 mà còn cả giai đoạn sau để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. PV Báo SGGP ghi nhận ý kiến, giải pháp của lãnh đạo, chuyên gia xung quanh nội dung này.
Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Bộ trưởng Bộ TT-TT NGUYỄN MẠNH HÙNG

Chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 27-9-2019) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, trong đó đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030. 

Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số thực sự tăng tốc khi xuất hiện các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số, còn gọi là môi trường không gian mạng hay một môi trường mới trong cuộc sống của nhân loại - môi trường số. Môi trường mới cũng là thách thức mới, cơ hội mới, nhận thức mới, luật lệ mới, cách thức sản xuất mới và hạ tầng mới.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ảnh 1 Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người và đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. 

Chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới. Đây chính là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng chính những mối quan hệ mới này, mô hình kinh tế mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Việc chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người nhưng lại là lợi thế của các nước đi sau, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu.

Các nước đi sau ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0. Bởi 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới. Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam, đồng thời đây cũng là sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân và mọi lĩnh vực. Lợi thế của người Việt Nam là khả năng thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Việt Nam luôn là nước mạnh trong các cuộc cách mạng toàn dân. 

* TS Lucy Cameron - Tổ chức Khoa học quốc gia Australia

Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và đã trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á. Hiện nay, làn sóng tiếp theo của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT), các dịch vụ dựa trên nền tảng và điện toán đám mây… có tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu suất cao tiếp theo của châu Á. Việt Nam cần phải nắm bắt những cơ hội to lớn này, đồng thời hạn chế một số rủi ro. 

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ảnh 2 TS Lucy Cameron - Tổ chức Khoa học quốc gia Australia
Hiện tại, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP/năm cho Việt Nam đến năm 2045. Tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh, toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đối số. Cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam gặp thách thức về biến đổi khí hậu, sự chậm lại của năng suất lao động, nguồn lực cần thiết. Việt Nam đã đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp, trong khi nhiều quốc gia mắc bẫy thu nhập trung bình do không có đổi mới và thay đổi nguồn tăng trưởng. Đối với các nền kinh tế có thu nhập cao, tăng trưởng nhanh như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Công…, họ vượt lên bứt phá nhờ đầu tư vào khoa học - công nghệ. Việt Nam có nhiều điểm tương đồng như các nước và vùng lãnh thổ này. 

Để trở thành “con hổ châu Á” đạt được mức thu nhập cao, Việt Nam cần tăng trưởng cao về xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu; tăng trưởng nhanh và toàn diện; bắt kịp về công nghệ, ứng dụng khoa học - công nghệ và nâng cao năng suất; hệ thống chính sách ổn định và đáng tin cậy; đầu tư cao cho y tế - giáo dục… Việt Nam có cơ hội to lớn trong việc tận dụng công nghệ số để có những đột phá trong thời gian tới nhờ lực lượng lao động trẻ. Vị trí trung tâm của khu vực cũng là lợi thế lớn và nếu có định hướng lớn, Việt Nam có thể đạt được tham vọng của mình. 

* Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương NGUYỄN ĐÌNH CUNG

 Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2019, Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh, nhưng còn rất ít và chậm, trong khi các nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn, do đó thứ hạng liên tục giảm trong 2 năm gần đây, mỗi năm giảm 1 bậc.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ảnh 3  Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung

Trong ASEAN, Singapore duy trì ổn định vị trí thứ 2 từ năm 2016; Malaysia qua 2 năm tăng 12 bậc; Thái Lan tăng 6 bậc trong 2019; Philippines tăng tới 29 bậc...

Ở ASEAN, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Kết quả trên cho thấy, cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam có xu hướng chững lại và thể hiện thách thức với nhiều chỉ số trong nhiều năm không cải thiện hoặc cải thiện rất chậm.

Vì thế, Việt Nam cần tiếp tục tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chúng ta mới có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 theo nghị quyết của Quốc hội.

* TS TRẦN HOÀNG NGÂN

Hệ thống pháp luật cần ổn định để nhà đầu tư yên tâm

Tôi cho rằng, động lực tăng trưởng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2020 là rất nhiều. Chúng ta đã có những năm tăng trưởng rất cao. Giai đoạn 1992-1997, khi chưa xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Nam Á 1997, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8,5%-9,5%/năm. Giai đoạn năm 2002-2007, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, kinh tế Việt Nam cũng tăng trưởng 7,5%-8%/năm. Vì vậy, đà tăng trưởng của Việt Nam trên 7%/năm là chuyện bình thường. 

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ảnh 4 TS Trần Hoàng Ngân
Nguồn nhân lực cần cù lao động và quyết tâm chính trị của cả hệ thống, trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, là yếu tố cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, có những nghị quyết dành cho kinh tế tư nhân thì chúng ta sẽ thu hút được vốn từ các doanh nghiệp dân doanh ở trong nước.

Đồng thời, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vẫn sẽ đến Việt Nam và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Cộng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các khu vực này sẽ tạo động lực chung cho tăng trưởng nền kinh tế. Khi tốc độ sử dụng internet, tài khoản mạng xã hội của người Việt Nam nhiều sẽ giúp cho nền kinh tế số phát triển nhanh chóng. 

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế tư nhân vẫn là động lực của nền kinh tế. Chúng ta đang  tái cơ cấu các DNNN, thực hiện cổ phần hóa DNNN ở những lĩnh vực mà tư nhân có thể phát triển. Làm như vậy vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, vừa tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển.

Còn đối với vốn đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong những năm tới, nhưng cần phải hết sức chú ý vấn đề môi trường. Không được để ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, bởi hiện nay bức xúc của người dân về ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn... đã lên đến đỉnh điểm. Phải hết sức tránh không để xảy ra sự cố tương tự Formosa. Với thu hút đầu tư nước ngoài, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn phải đặt lên hàng đầu. 

Vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Cần lưu ý Việt Nam cải thiện thì các nước xung quanh cũng cải thiện, thậm chí mức độ cải thiện của họ còn nhanh hơn, vì thế Việt Nam cần phải “chạy” nhanh hơn nữa trong cuộc chạy đua này.

Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc, đó là một sự nỗ lực lớn. Nhưng Việt Nam vẫn cần sự bền bỉ, tiếp tục cải thiện mạnh hơn nữa, nhất là hệ thống pháp luật cần bảo đảm sự ổn định để nhà đầu tư yên tâm.

Tin cùng chuyên mục